Biểu tượng Shoshinsha, hay Wakaba - Lái mới
Biểu tượng này có hình mũi tên nửa màu xanh nửa màu vàng, còn gọi là Chiếc lá xanh. Những người mới lấy bằng lái xe ở Nhật phải dán Shoshinsha, hay Wakaba, lên xe trong một năm.
Mục đích của hình dán này là thông báo cho mọi người rằng sau vô lăng là người mới biết lái xe, có thể còn chưa rành luật, lái chưa thạo..., mong mọi người kiên nhẫn và thông cảm.
Việc dán biểu tượng Shoshinsha, hay Wakaba, đã được luật hoá tại Nhật Bản.
Trên thực tế, sau một năm, nếu tài xế cảm thấy chưa đủ tự tin thì vẫn có thể giữ hình dán này trên xe.
Hình dán này không chỉ được dùng trên ô tô, mà còn cả xe máy, thậm chí cả ngựa.
Biểu tượng Koreisha - Người già
Biểu tượng này hình giọt nước nửa đỏ nửa vàng, dùng để cảnh báo mọi người rằng lái xe là một người già. Từ năm 1997 đến tháng 1/2011, biểu tượng hình giọt nước được sử dụng vào mục đích này, nhưng từ tháng 2/2011, biểu tượng đổi thành cỏ 4 lá mỗi lá một màu khác nhau (ảnh dưới).
Lý do là ngoài tên gọi Koreisha, biểu tượng hình giọt nước còn được gọi bằng một số tên khác, như lá mùa thu (Momiji), lá khô (Kareha), hay thậm chí là lá rụng (Ochiba), dù ít phổ biến hơn, nhưng bị coi là thiếu lịch sự. Do đó, vào năm 2011, biểu tượng Koreisha được đổi thành cỏ 4 lá sắc màu - đỏ, xanh lá nhạt, xanh lá đậm và vàng.
Các tài xế từ 70-74 tuổi được khuyến cáo nên dán biểu tượng này ở cả trước và sau xe. Tài xế từ 75 tuổi trở lên bắt buộc phải dùng hình dán này.
Biểu tượng Shintai Shougai - Người khuyết tật
Biểu tượng này có hình cỏ 4 lá màu trắng trên nền xanh. Người khuyết tật được khuyến cáo nên dán hình này trên xe.
Dù không trực quan bằng, nhưng hình dán này có vẻ như là một cách thông báo nhẹ nhàng hơn so với hình ảnh xe lăn được nhiều nước sử dụng, cũng là quy ước quốc tế.
Biểu tượng Choukaku Shougai - Người khiếm thính/nặng tai
Biểu tượng này hình con bướm màu vàng trên nền xanh lá cây. Hình dán này khá dễ thương nên không ít người nhầm đó là hình dán trang trí thuần tuý. Tuy nhiên, trên thực tế, hình dán này ngầm thông báo rằng tài xế là người có vấn đề về thính giác, có thể không nghe thấy tiếng còi hoặc một số âm thanh mang tính cảnh báo trên đường.
Hình ảnh này được cho là hai cánh bướm mô phỏng hình dáng tai người.
Trên đây là những hình dán đã được quy định trong luật giao thông của Nhật. Ngoài ra, việc dán decal lên xe cũng là sở thích, một nét văn hoá riêng của người Nhật.
Nhật Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét