Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

Xe bốc khói nghi ngút vì... lên đời cặp gương

Với mục đích "lên đời" cho gặp gương ô tô vốn gập bằng tay, chuyển sang điều khiển điện, nhưng vì chủ quan lắp đặt ở cửa hàng thiếu chuyên môn, nhiều chủ xe suýt rơi vào tình huống hối không kịp.

Chia sẻ với báo VietNamNet, anh Nguyễn Thanh Tú là chủ một gara sửa chữa ô tô ở Kim Sơn, Ninh Bình kể lại hai trường hợp anh vừa xử lý cho khách hàng khi gặp phải sự cố suýt dẫn đến cháy xe.

Xe bốc khói nghi ngút vì... lên đời cặp gương - 1

Bộ điều khiển đấu nối thủ công bằng rơ-le và phần đầu jack nối dây điện cháy đen trên xe Chevrolet Captiva

 

"Chiếc Chevrolet Captiva cháy toàn bộ hệ thống điện chỉnh gương, phải chạy lại toàn bộ hệ thống điện cánh cửa và hộp điều khiển cửa chi phí là 4,5 triệu đồng cả công. Còn chiếc Hyundai Accent Blue hỏng hộp điều khiển, lựa chọn thay bằng hộp hàng bãi khoảng 5 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với hàng mới đặt hãng", anh nói.

Cũng liên quan đến sự cố về điện do gắn thêm thiết bị không nằm trong thiết kế xe, anh Tô Thế Đạt (Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) đến giờ vẫn chưa quên sự cố với chiếc Toyota Vios đời 2015 của mình. Anh Đạt kể rằng đã nâng cấp độ gương tự gập và sử dụng khá ưng ý suốt 4 tháng.

"Nhưng bất ngờ hôm đi cùng anh em cơ quan, đang dừng đèn đỏ thì xe bốc khói ở cánh cửa bên phải. Ai cũng hốt hoảng mở cửa xe tìm cách chữa cháy. May mắn sau một lúc thì khói cũng bớt. Đưa xe đi kiểm tra mới biết dây nguồn mô tơ gương cháy sun hết lại, nhưng cầu chì vẫn không cháy", anh nhớ lại.

Xe bốc khói nghi ngút vì... lên đời cặp gương - 2

Hyundai Accent Blue 2015 hỏng hộp điều khiển, phải thay thế tốn kém do độ gập gương không đúng kỹ thuật

 

May mắn không gặp phải cảnh hoảng sợ vì chập cháy bốc khói, nhưng chị Nguyễn Thị Hiền (Minh Khai, Hà Nội) thì lại rơi vào tình huống trớ trêu. Chiếc Hyundai Elantra của chị sau khi dừng nghỉ tại Trạm trên cao Tốc Hà Nội - Hải Phòng thì phát hiện đèn pha không bật được nữa.

Giữa đêm trên  xe chỉ có chị và hai người bạn, nhờ các tài xế ở trạm dừng xem xe, rồi gọi điện cho người quen kiểm tra đủ kiểu cũng không ra bệnh. Chị Hiền may mắn nhờ được một xe đi cùng chiều chạy phía trước để mình bám theo, lết về đến nhà mới hết sợ. "Sáng hôm sau nhờ chồng đưa xe đến gara, hóa ra hộp điều khiển bị hỏng do chập điện. Nguyên nhân vì lần nâng cấp gập gương và lên kính tự động trước đó do ông xã nổi hứng đem đi làm theo quảng cáo trên mạng".

Độ "chế" liên quan đến hệ thống điện, đừng giao phó bừa cho thợ ẩu

Nói về sự cố chập, cháy do "độ" gập gương mà gara của mình đã xử lý cho khách như nêu ở trên, anh Nguyễn Thanh Tú nói rằng trường hợp nguy hiểm nhất là chiếc Chevrolet Captiva cháy đến biến dạng phần jack cắm, gây nguy cơ cháy lan rất lớn. Nguyên nhân dẫn đến sự cố này là do thợ đấu nối dây điện không đúng kỹ thuật và không phù hợp với công nghệ hiện có của xe.

Anh Tú nhận xét: "Với các xe đời cao,hệ thống điện, đèn, lên xuống kính, khóa cửa, gương…thường được điều khiển qua hộp điều khiển điện thân xe. Hệ thống này không dùng kết nối bằng rơ-le như xe đời cũ, mà qua các mosfet hoặc ic nguồn. Việc đấu nối thêm bộ cụp gương bằng rơ-le hoặc các bộ cụp gương không phù hợp loại xe rất dễ dẫn đến việc trong quá trình sử dụng, nguồn điệndễ bị xông ngược điện vào trong hộp điều khiển dẫn đến bị hỏng".

Như vậy, người thợ lắp đặt trước trên chiếc Chevrolet Captiva đã làm theo kiến thức cũ, câu điện trực tiếp từ ắc-quy, đấu nối điện thủ công bằng rơ-le mà không quan tâm đến cách thức điều khiển mà xe áp dụng có phù hợp hay không. Bỏ qua các biện pháp an toàn như đấu thông qua cầu chì hay đi-ốt một chiều để khi có sự cố sẽ ngắt được điện không gây hậu quả nghiêm trọng.

Xe bốc khói nghi ngút vì... lên đời cặp gương - 3

Độ thiết bị gắn thêm, dùng nguồn điện ô tô cần lưu ý tham khảo chuyên gia về thiết kế của từng loại xe, tránh dẫn đến hậu quả tai hại như chập điện, gây cháy xe. Ảnh minh họa.

Nói về việc độ thêm các thiết bị không theo thiết kế xe, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch (chủ gara ô tô tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho rằng đây là một nhu cầu hiện hữu với nhiều người dùng ô tô. Tuy nhiên, phần lớn các kiểu lắp đặt này không thực hiện trong đại lý mà ở bên ngoài do một số hãng xe không có chủ trương làm việc này. "Quy trình lắp đặt ở nhà máy hay đại lý mà tôi được biết là khá nghiêm ngặt, ngay cả việc đấu dây điện cũng theo từng bước, không có chuyện buộc xoắn hai đầu dây lại với nhau rồi dán băng keo mà phải dùng cút nối để đảm bảo ổn định dòng", kỹ sư Tạch nhận xét.

Việc độ thêm tính năng mà chiếc xe mình chưa có dù không được khuyến khích nhưng khi thực hiện, để an toàn tốt nhất chủ xe không nên ham rẻ, cần đặt niềm tin ở những địa chỉ có uy tín. Trước khi làm cần được thợ giải thích trước quy trình lắp đặt, biện pháp thi công, để khi xảy ra sự cố cũng có thể nắm bắt được kỹ thuật nhằm hạn chế rủi ro cháy nổ.

Theo Vietnamnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét