Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

CEO của Mercedes-AMG sẽ về điều hành Aston Martin

Dân trí Aston Martin hôm qua 26/5 đã xác nhận rằng ông Tobias Moers, CEO của Mercedes-AMG sẽ thay thế ông Andy Palmer, trở thành CEO của Aston Martin từ ngày 1/8/2020.

CEO của Mercedes-AMG sẽ về điều hành Aston Martin - 1

Ông Tobias Moers, 54 tuổi, sẽ đảm nhiệm vị trí CEO của Aston Martin từ ngày 1/8 năm nay.

Theo hãng tin Reuters, ông Palmer đã từ chức hôm 25/5 vừa qua, trước sức ép từ ban lãnh đạo hãng xe Anh quốc.

Chủ tịch điều hành Aston Martin - ông Lawrence Stroll cho biết, ban lãnh đạo xác định đã đến lúc cần sự lãnh đạo mới để triển khai các kế hoạch của công ty.

Aston Martin cho biết, ông Moers đã thể hiện tài năng trong việc chèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong suốt 25 năm đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong tập đoàn Daimler.

Tập đoàn Daimler AG của Đức hiện nắm giữ 5% cổ phần Aston Martin và cung cấp động cơ Mercedes-AMG cho nhà sản xuất ô tô Anh quốc này.

Trong thông báo của mình, Aston Martin cho biết, dưới sự lãnh đạo của ông Tobias, Mercedes-AMG đã có danh mục sản phẩm tăng hơn 2 lần và doanh số xe AMG tăng gấp 4, cùng với đường hướng rõ ràng cho các cơ hội phát triển trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực điện khí hoá động cơ xe tính năng vận hành cao. Chiến lược tập trung vào tính hiệu quả trong vận hành và sản xuất của ông Tobias đã mang lại kết quả kinh doanh ấn tượng. Mercedes-AMG có được sự vững mạnh về tài chính là nhờ áp dụng một chiến lược quản lý thương hiệu rõ ràng, giúp tăng cao giá trị thương hiệu.

Aston Martin đang gặp những vấn đề gì?

Ông Palmer được chọn vào vị trí chủ tịch kiêm CEO của Aston Martin Lagonda từ tháng 9/2014 nhờ sự nghiệp chói sáng ở Nissan. Tuy nhiên, trọng trách ở Aston khó khăn và thách thức hơn nhiều so với ở tập đoàn ô tô Nhật Bản, do Aston sản xuất với quy mô nhỏ, trong khi danh mục sản phẩm lại khá lớn.

CEO của Mercedes-AMG sẽ về điều hành Aston Martin - 2

Giống như phần lớn các hãng xe thể thao khác, Aston Martin hiện tập trung vào các dòng sản phẩm chủ lực, gồm mẫu Vantage (ảnh trên) và DB11, nhưng lại có rất nhiều nhánh sản phẩm, như Zagato, xe đua AMR, các mẫu Superleggera và siêu xe Valkyrie.

Giới phân tích cảnh báo rằng cứ thêm mỗi mẫu xe mới là thêm gánh nặng chi phí R&D, làm giảm sự tập trung của hãng và tăng thêm sự phức tạp, chưa nói đến việc thêm nợ nần. 

Việc dấn thân vào phân khúc SUV với mẫu DBX hoàn toàn mới là một tính toán khôn ngoan về mặt thị trường, nhưng Aston Martin lại chậm chân so với nhiều hãng xe khác, như Porsche, Maserati, Jaguar, Alfa Romeo, Rolls-Royce và Lamborghini. Thêm vào đó, không ít ý kiến đặt dấu hỏi về sự cần thiết của việc xây thêm một nhà máy ở Wales.

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất là giá cổ phiếu của Aston Martin đã sụt giảm tới 90% kể từ khi lên sàn vào tháng 10/2018. Đây có lẽ là lý do ban lãnh đạo công ty tính đến việc thay đổi người điều hành.

Nhà sản xuất ô tô 107 năm tuổi của Anh quốc này đã báo lỗ 120 triệu bảng Anh trong quý 1 năm nay, với doanh số sụt giảm gần 1/3 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tin đồn về sự xáo trộn trong bộ máy lãnh đạo đã xuất hiện từ khi tỷ phú Lance Stroll người Canada mua 20% cổ phần Aston vào đầu năm nay.

Giám đốc tài chính Mark Wilson và chủ tịch Penny Hughes đã rời công ty vào tháng 4 vừa qua.

Nhật Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét