FTI cũng sẽ đề xuất chính phủ nới hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thêm một năm, thay vì hạn chót là vào tháng 8/2020, vì các nhà sản xuất ô tô muốn giữ lại vốn để duy trì hoạt động.
Ông Surapong Paisitpatanapong, một người phát ngôn của FTI cho biết, theo kế hoạch này, chính phủ sẽ khuyến khích người dân bỏ các xe có tuổi đời trên 20 năm để mua xe mới, thân thiện với môi trường. Hiện ở Thái Lan có khoảng 2 triệu xe thuộc diện này.
Các chương trình đổi xe cũ lấy xe mới tương tự từng được triển khai tại Đức và Mỹ trong cuộc khủng hoảng năm 2008.
Tuy nhiên, ông Surapong cho biết, biện pháp này còn phụ thuộc vào mỗi doanh nghiệp ô tô tự nguyện tham gia chương trình; mỗi công ty sẽ lên danh sách các mẫu xe có thể tham gia chương trình đổi xe cũ lấy xe mới.
Ông cho biết, chính phủ Thái Lan có thể không đủ khả năng tài chính để đài thọ toàn bộ chương trình, nhưng có thể hỗ trợ ở mức nào đó. Ví dụ, chính phủ có thể hỗ trợ 50.000 baht/xe (khoảng 36 triệu đồng).
Ông Surapong cũng cho biết, một số doanh nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô đang có kế hoạch cho nhân viên nghỉ việc trong bối cảnh doanh số sụt giảm, sức mua kém do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và các quy định hạn chế đi lại.
Theo dự báo của FTI, tiêu thụ ô tô của thị trường Thái Lan trong năm nay sẽ giảm 50% so với năm 2019.
Doanh số tháng 4 dự kiến chỉ đạt 33.000 xe, mức thấp nhất trong vòng 10 năm, theo ông Surapong.
Ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng hiện cung cấp việc làm cho khoảng 750.000 người tại Thái Lan.
"Nhiều nhà sản xuất ô tô không đủ khả năng chi trả các chi phí vận hành, trong đó có tiền lương, nên một số công ty dự kiến sa thải bớt lao động và lùi thời gian mở cửa nhà máy trở lại sau lệnh phong toả vào tháng 4," ông Surapong nói.
Các tập đoàn sản xuất ô tô hoạt động xuyên quốc gia, như Toyota, Honda, Mitsubishi, Ford và Mazda đã tạm dừng sản xuất từ tháng 3 đến tháng 4 do nhu cầu sụt giảm và chính sách khuyến khích người lao động làm việc tại nhà của chính phủ Thái Lan.
Nhật Minh
Theo Bangkok Post
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét