Dù chưa chính thức được áp dụng, thông tin về việc chính phủ đồng ý giảm 50% phí trước bạ lập tức trở thành liều thuốc cho thị trường ô tô trong nước vốn đã ảm đạm do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, thị trường xe cũ và xe mới có những phản ứng trái chiều, giữa các hãng ô tô mới cũng chịu tác động khác nhau.
Thị trường xe mới "phá băng"
Khi phí trước bạ về mức 5-6%, khách Việt có thể tiết kiệm từ khoảng 20 đến 300 triệu đồng để các mẫu xe mới có thể lăn bánh, với điều kiện phải là xe được sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Lượng khách đến xem ô tô vì thế tăng nhẹ, dù thực tế chủ yếu là người đến để tìm hiểu về chính sách giá mới.
"Những khách trước đây còn lăn tăn nay đã mạnh dạn chốt mua hơn", quản lý một showroom lớn tại Hà Nội chia sẻ. "Thực tế, đại lý cũng gợi ý người tiêu dùng nên tiến hành thủ tục mua sớm để tránh hết xe, hết màu ưng ý, hoặc không phải chờ đợi lâu, khi mà nhu cầu trong thời gian tới được dự báo sẽ tăng".
Trước đó, để tự phá vỡ thế đóng băng của thị trường, một số hãng ô tô đã áp dụng chương trình giảm giá, vừa nhằm kích cầu, vừa để xả hàng tồn. Tuy nhiên, mức ưu đãi chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn hoặc lượng xe bán ra hạn chế, trong khi thời điểm giảm 50% phí trước bạ vẫn chưa được ấn định.
"Chúng tôi đang áp dụng chương trình siêu ưu đãi cho một số mẫu ô tô nhưng chỉ áp dụng đến hết tháng 5", nhân viên tư vấn bán hàng một hãng xe cho biết. "Trên thực tế, khách mua xe bây giờ có thể còn được lợi hơn là chờ sau này".
Anh này lấy ví dụ, một chiếc xe hạng A giá 400 triệu đồng nhưng đang được hãng bán giá 370 triệu đồng. Khi phí trước bạ giảm 50% mà giá xe về mức ban đầu, khi tính hết chi phí lăn bánh thì khách sẽ chỉ tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng.
Lượng người quan tâm đến ô tô mới tăng so với trước đây còn do nhóm khách có ý định mua xe xe cũ nay chuyển sang tìm xe mới. Nếu phí trước bạ là 5-6% thì chênh lệch giữa xe mới với giá xe cũ hiện nay, đặc biệt là xe lướt, càng thu hẹp.
Một chiếc xe lắp ráp trong nước có giá lăn bánh hiện nay khoảng 1 tỷ đồng thì sắp tới sẽ còn khoảng 950 triệu đồng. Trong khi đó, xe lướt đi dưới một năm khi làm hết toàn bộ thủ tục sang tên cũng chỉ tiết kiệm được vài chục triệu. "Khi giá chênh ít, chắc chắn không ai muốn mua xe lướt", chủ một gara xe cũ ở Hà Nội nói.
Xe cũ "ngủ đông"
Trái với sự ấm lên của thị trường xe mới, các gara ô tô cũ lại quay trở lại thời kỳ ảm đạm như đúng vào đợt dịch Covid-19 bùng phát. Cũng như người mua xe mới, thông tin về việc giá lăn bánh sắp giảm khiến người mua ô tô cũ có tâm lý chờ đợi.
"Suy nghĩ của khách hàng là xe mới giảm giá thì xe cũ cũng phải giảm theo", anh Hoàng, quản lý một showroom ô tô cũ trên đường Dương Đình Nghệ (Hà Nội) chia sẻ. "Chẳng ai muốn xuống tiền khi họ biết chắc chắn giá xe nay mai sẽ được điều chỉnh hàng chục triệu đồng".
Tuy nhiên, các mẫu xe nhập khẩu vẫn có giao dịch khá ổn định trên thị trường xe cũ. Lý do là việc giảm 50% phí trước bạ không được áp dụng với dòng xe này, trong khi giá xe cũ nói chung đang ở đáy.
Ô tô bán chậm suốt nhiều tháng qua nên các gara xe cũ đã tích cực đẩy hàng tồn từ lâu, hạn chế "ôm" hàng. "Thời gian qua, chúng tôi mua lại xe với số lượng nhỏ giọt, không ai muốn đọng vốn hoặc bị lỗ trong thời điểm này", anh Hoàng nói. "Giờ chỉ có một số "tay to", lực mạnh mới mua vào hoặc trừ khi mua được xe cũ với giá thật rẻ".
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Dự thảo Nghị Quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thủ tướng đồng ý về chủ trương giảm 50% phí trước bạ đến hết 2020, áp dụng với các mẫu ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, không áp dụng với xe nhập khẩu.
Đình Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét