Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

Thói quen xấu của nhiều tài xế Việt khi lái xe

Nghe điện thoại, thậm chí livestream trong khi đang lái xe là hình ảnh hay bắt gặp trên đường của nhiều tài xế Việt.


Sử dụng điện thoại, vừa lái xe, vừa livestream

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân đối với nhiều người. Đối với nhiều người, sử dụng điện thoại khi lái xe được xem là một cách giúp tiết kiệm thời gian.

Thói quen xấu của nhiều tài xế Việt khi lái xe - 1

Sử dụng điện thoại khi lái xe, tài xế nên bỏ.  

Việc tài xế vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại để nghe gọi, nhắn tin... tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt hiện nay phong trào vừa phát video trực tiếp vừa lái xe đang khá thịnh hành và được nhiều tài xế áp dụng.

Hành vi này sẽ khiến tài xế mất tập trung khi lái xe, đồng thời không thể phản ứng kịp thời trước những tình huống bất ngờ. Trên thực tế, đã có không ít người vì mải dùng điện thoại di động mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại… làm ảnh hưởng cho những phương tiện cùng lưu thông, thậm chí gây ra tai nạn.

Thói quen xấu của nhiều tài xế Việt khi lái xe - 2

Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra hôm 25/11/2018 tại tuyến Hà Nội- Hưng Yên do tài xe vừa lái xe vừa livestream facebook. 

Tối 25/11/2018, một tài xế điều khiển ô tô Toyota lưu thông chiều Hà Nội – Hưng Yên vì mãi dùng điện thoại livestream lên Facebook đã  bất ngờ đâm vào đuôi ô tô tải khiến tài xế này bị thương nặng và chiếc xe vỡ nát hoàn toàn phần đầu xe. 

Vụ tai nạn này cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang có thói quen sử dụng điện thoại khi lái xe ô tô. Bên cạnh đó, hiện nay, hành vi này cũng bị phạt hành chính khá nặng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Cụ thể, tại khoản 4, điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có quy định: "Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường". Đồng thời, bị tước giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng.

Lái xe khi đã uống rượu, bia

Uống rượu bia sau đó vẫn điều khiển ô tô là một trong những thói quen xấu của tài xế Việt hay gặp phải. 

Đây được xem hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây mất an toàn giao thông, có thể gây ra tai nạn cho bản thân mình và người khác. Bởi khi đã uống rượu bia, lái xe có thể mất tập trung, xử lý không chính xác, chạy xe với tốc độ cao, thậm chí ngủ gục hoặc say xỉn, gây nên tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Thói quen xấu của nhiều tài xế Việt khi lái xe - 3

Hiện trường vụ tài xế say rượu lái xe tông chết cô giáo trường chuyên ở Hà Nội.

Thời gian qua, ở thành phố đông dân cư như Hà Nội cũng xảy ra không ít vụ tai nạn chết người do tài xê lái xe trong tình trạng xay xỉn gây ra.

Đơn cử như vụ như tài xế say rượu lái xe  Mazda BKS 43A- 208.22 tông chết cô giáo trường chuyên ở Hà Nội xảy ra vào ngày 31/12/2019, tại đường gom đại lộ Thăng Long. Vụ tài xế xe Mercedes BKS: 30F-154.78 say rượu đâm 2 người tử vong ở hầm Kim Liên xảy ra vào ngày ngày 1/5/2019. Tài xế say rượu lái xe Ford Escape 5 chỗ đâm chết người tại Ngọc Khánh, Hà Nội vào 19/1/2019. Hay vụ tài xế say rượu tông chết nữ công nhân môi trường vào đêm 22/4 ở đường Láng, Hà Nội…

Để giảm thiểu tình trạng này Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 có quy định mới về mức phạt nồng độ cồn đối với lái xe máy và xe ô tô lên đến 7-40 triệu đồng, đồng thời tước bằng lái xe 2 năm.

Vượt đèn đỏ

Không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông đã trở thành thói quen xấu, khó bỏ đối với một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông kể cả những tài xế lái xe ô tô.

Hành vi này giúp họ đi nhanh hơn vài chục giây nhưng có thể gây tai nạn cho nhưng người tham gia giao thông không may khác. Bởi đèn giao thông giúp người này, người kia có quyền ưu tiên để sang đường nhưng hành vi vượt đèn đỏ đã cố ý cướp quyền ưu tiên và đưa họ vào tình huống đặc biệt nguy hiểm.

Thói quen xấu của nhiều tài xế Việt khi lái xe - 4

Tài xế xe bán tải Mazda vượt đèn đỏ đâm tử vong 1 phụ nữ tại Lào Ca

 

Trên thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do tài xế vượt đèn đỏ. Ví dụ gần đây là vụ xe bán tải Mazda vượt đèn đỏ đâm tử vong 1 phụ nữ tại Lào Cai vào hôm 14/6/2020 gây xôn xao dư luận. Đến ngày 17/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đã ra Quyết định Khởi tố vụ án hình sự liên quan đến vụ tai nạn này.

Hiện nay, mức tiền phạt lỗi vượt đèn đỏ quy định tại điểm a khoản 5 điều 5 nghị định 46 /2016/NĐ-CP là từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô too..

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng…

Lái xe đi ngược chiều

Lái xe ngược chiều không chỉ vi phạm pháp luật mà còn rất nguy hiểm. Dù không thường xuyên nhưng một số tài xế thường quyết định đi ngược dòng xe cộ để tiết kiệm vài mét. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi chạy trên đường một chiều, đường cao tốc vốn có lưu lượng giao thông hoạt động với tốc độ nhanh không cảnh giác với các trường hợp "đối đầu" như đường nhỏ trong đô thị hay đường 2 chiều.

Thói quen xấu của nhiều tài xế Việt khi lái xe - 5

Thói quen lái xe ô tô ngược chiều rất nguy hiểm. 

Chỉ vì tiết kiệm vài ml nhiên liệu, một chút thời gian lái xe nhưng hành vi này lại đưa lái xe và những người cùng tham gia giao thông khác vào tình trạng nguy hiểm.

Đối với ôtô, theo điểm b, khoản 4 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP hành vi đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều" (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) thì bị phạt tiền từ từ 800.000 đến 1.200.000 đồng.

Ngoài ra, lái xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Trường hợp điều khiển ôtô đi ngược chiều trên đường cao tốc thì theo điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, sẽ bị phạt tiền từ từ 7.000.000 đến 8.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 4 tháng đến 6 tháng.

Độ đèn Led, sử dụng đèn pha vô tội vạ

Thói quen xấu của nhiều tài xế Việt khi lái xe - 6

Sử dụng đèn pha vô tội vạ cũng là hành vi vi phạm luật giao thông. 

Sử dụng đèn chiếu xa không cần thiết có thể giúp bạn nhìn xa hơn một chút nhưng lại làm mù các phương tiện đi ngược chiều, làm tăng khả năng va chạm trực diện.

Nhiều tài xế thậm chí sử dụng đèn pha ngay cả khi đi trong phố đã được chiếu sáng bởi đèn đường hay không hạ pha khi xe ngược chiều đã chủ động bật đèn chiếu gần trước. Chưa kể, tình trạng độ đèn, lắp đèn Led, hay đèn công suất lớn cũng là một vấn nạn nhức nhối.

 

Đèn pha được sinh ra để giúp tài xế quan sát tốt hơn khi đi trên đường vắng không có đèn chiếu sáng, các tài xế nên hạ đèn cos khi có phương tiện đi ngược chiều để tránh đưa người khác vào tình huống nguy hiểm.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ về lỗi sử dụng đèn sai quy định. Cụ thể:

Đối với xe ô tô, các loại xe tương tự ô tô.

- Phạt tiền từ 600-800 ngàn đồng khi: Không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều (điểm g khoản 3 Điều 5).

- Phạt tiền từ 800-1,2 triệu đồng khi: Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định (điểm a khoản 4 Điều 5).

Ngoài những thói quen nguy hiểm trên, một số thói quen khác như vừa ăn vừa lái xe, lái xe trong tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ, trang điểm khi lái xe (đối với tài xế nữ),... nhiều tài xế cũng thường xuyên mắc phải và cần thay đổi để những chặng đường trường của mình trở nên an toàn hơn.

Theo Vietnamnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét