Xe đạp Thống Nhất
Những năm 80 của thế kỷ trước, xe đạp là phương tiện phổ biến nhất thời bấy giờ. Khi ấy, nếu gia đình nào sở hữu cho mình chiếc xe đạp, mà lại là xe đạp Thống Nhất thì đó chắc chắn là gia đình khá giả.
Xe đạp Thống Nhất xuất hiện trong ký ức của nhiều người là một sản phẩm vô cùng chất lượng, không thua kém gì xe Peugeot của Pháp. Một chiếc xe đạp Thống Nhất có giá lên tới nửa cây vàng lúc bấy giờ, một số tiền quá lớn đối với mức thu nhập của nhiều gia đình Việt Nam những năm tháng đó.
Hồi đó, xe Thống Nhất được coi như biểu tượng của sự giàu có, thành đạt, niềm mơ ước của hàng triệu người. Đó cũng là hình mẫu của người đàn ông thành đạt, một nữ sinh thanh lịch.
Còn thời chiến tranh, xe đạp được gọi là ngựa sắt chiến trường. Nhiều đội quân xe đạp thồ được thành lập, vượt mưa bom bão đạn đem gạo, muối, thuốc men... ra tiền tuyến, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của dân tộc.
Xe đạp Thống Nhất trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Nhà máy được thành lập năm 1960 thì tới năm 1965, Nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp, trong đời một cán bộ, công nhân viên được mua một chiếc. Ai được phân phối sẽ kèm theo một sổ mua phụ tùng. Quyết định là vậy nhưng một năm, xí nghiệp hàng trăm người cũng chỉ được phân phối chưa đến mười chiếc. Có người được phân phối chiếc xe Thống Nhất, quý đến mức không dám đi, về treo xe lên trong nhà, hai bánh không để chạm đất, thỉnh thoảng ngồi ngắm và quay bàn đạp nghe tiếng xích líp kêu.
Công ty sản xuất chiếc xe đạp đó là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thống Nhất, tiền thân là nhà máy xe đạp Thống Nhất. Đánh vào chất lượng, cũng như định vị mình là dòng xe cao cấp, chính là phương thức truyền thông lúc bấy giờ của thương hiệu này. Chính cách làm này đã khiến cho hãng có một thời kỳ vẻ vang về doanh thu cũng như danh tiếng.
Thế nhưng, việc mở cửa kinh tế cũng như sự thay đổi khi xe máy dần trở thành phương tiện phổ biến hơn, khiến Thống Nhất không còn được coi trọng như trước nữa. Đến nay, xe đạp Thống Nhất vẫn dẫn đầu sản xuất và kinh doanh xe đạp trong nước, nhưng sức sống của thương hiệu không còn được như xưa.
Xe đạp Phượng Hoàng
Từng là một biểu tượng của sự giàu có, xe đạp Phượng Hoàng trong thời kỳ bao cấp được suy tôn thành xe "siêu sang" đặc biệt chỉ có giới thượng lưu mới có đủ tiềm lực kinh tế để sở hữu chúng. Thời kỳ trước năm 1980, gia sản lớn nhất của mỗi gia đình thời ấy là xe đạp, mỗi cán bộ đi làm đều được Nhà nước phân phối cho một chiếc xe đạp để đi làm. Ngày đó, nếu tính bằng thóc, một chiếc xe đạp Phượng Hoàng chắc bằng cả một năm thu hoạch nông sản của một gia đình nông dân.
Tuy nhiên, sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, lượng hàng hóa Trung Quốc về Việt Nam nhỏ giọt, để mua xe Phượng Hoàng không phải là dễ, thậm chí người dân phải bỏ ra vài cây vàng mới có thể mua được chúng. Đến những năm 1990, xe đạp Nhật làm khuynh đảo thị trường, khiến xe Phượng Hoàng lùi sâu vào dĩ vãng.
Hiện nay, số người còn sở hữu xe đạp Phượng Hoàng còn cực kỳ ít hoặc xe đã hỏng hóc nặng theo thời gian. Tuy nhiên, giới sưu tầm xe vẫn đang rốt ráo đi tìm những chiếc còn nguyên "zin" chưa hỏng hóc, ngoại hình đẹp.
Tại Trung Quốc hiện nay vẫn còn sản xuất mẫu xe này, tuy nhiên số lượng xe nhập về Việt Nam rất hạn chế. Nếu muốn sở hữu một chiếc xe Phượng Hoàng mới, người mua sẽ phải bỏ 4 triệu đồng và phải chờ ít nhất 1 tháng mới được nhập về Việt Nam.
Xe đạp Peugeot
Xe đạp Peugeot ăn sâu vào tiềm thức của người Hà Nội. Không chỉ có người già muốn sống lại cái thời một chiếc Peugeot có thể đáng giá cả một căn nhà mà những người trẻ cũng đang bị những chiếc xe đạp đáng tuổi bố mẹ mình làm cho mê mẩn. Chơi xe đạp cổ cũng là một cách để sống chậm lại.
Xe mini Nhật
Cùng với Honda Cub và Honda Dream, xe mini Nhật trở thành một phương tiện giao thông mang tính biểu tượng vào những năm 80 - 90 thế kỷ trước và kéo dài cho đến những năm 2000.
Xe đạp mini Nhật thực chất là một mẫu xe nữ do công ty Maruishi sản xuất. Đây là công ty sản xuất xe đạp nổi tiếng trên thế giới với lịch sử phát triển hơn 130 năm. Xuất hiện trên thị trường từ những năm 1950 rồi sau phổ biến ra khắp châu Á, xe mini Nhật còn được gọi với cái tên "xe đạp mama" (xe đạp mẹ chở con).
Tại Việt Nam, xe mini Nhật có mặt khá sớm, nhưng phải đến cuối những năm 80, đầu 90 mới là thời kỳ huy hoàng của dòng xe này.
Vào những năm 90, để mua được một chiếc mini Nhật mới keng đập hộp, khách hàng phải bỏ ra từ 1,5 đến 2 triệu đồng, tương đương với nửa cây vàng thời bấy giờ.
Tới những năm 2000, giá xe máy bắt đầu giảm nên nhiều người bỏ xe đạp để sử dụng xe máy đi làm. Xe mini Nhật cũng bị cạnh tranh bởi các dòng xe đạp địa hình, xe đạp cào cào nên thị phần giảm đi nhanh chóng.
Hiện tại, các nữ sinh cấp 3 cũng ít sử dụng xe mini Nhật mà đa phần dùng xe đạp điện đi học. Hãng Maruishi vẫn tiếp tục duy trì sản xuất dòng xe truyền thống với giá khoảng 4 triệu đồng/chiếc nhưng lượng khách thưa dần. Đa phần xe đạp mini Nhật còn lưu hành trên đường đều là loại cũ, dành để các cô, các bà tầm tuổi trung niên sử dụng.
Mặc dù giảm sút ở Việt Nam và khu vực châu Á nhưng theo Maruishi công bố, dòng xe mini Nhật lại đang thành công rực rỡ ở thị trường châu Phi.
Theo Hoàng Anh
Xe Giao thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét