Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

Hà Nội vào mùa nắng nóng, xử lý như thế nào khi xe ôtô báo quá nhiệt

Hà Nội đang bước vào những ngày nắng nóng gay gắt, chính vì vậy, hệ thống làm mát của ôtô có thể gặp sự cố trên đường bất cứ lúc nào...

Hệ thống làm mát trục trặc sẽ khiến động cơ nóng dần; lúc này, kim đồng hồ kiểm soát nhiệt độ động cơ báo ở vạch đỏ. Vậy nếu rơi vào trường hợp này thì cần phải xử lý như thế nào?

Tắt A/C (chế độ làm mát) và chuyển sang chế độ nóng

Theo kỹ sư ôtô Lê Văn Tạch, việc bật chế độ nóng sẽ giúp hút nhiệt ra khỏi khoang động cơ nhanh hơn, còn nếu cứ để chế độ làm mát sẽ khiến động cơ nóng thêm. Tuy nhiên, đó chỉ là một giải pháp khắc phục tạm thời nếu lái xe một quãng đường ngắn.

Tấp xe vào lề một cách an toàn

Sau khi tắt chế độ A/C, tài xế cần nhanh chóng ra tín hiệu đưa phương tiện tấp vào lề một cách an toàn, rồi tắt máy để động cơ nguội dần. Trong những ngày nóng, nên tăng cường để ý chỉ dấu nhiệt độ. Nếu nhìn thấy hơi nước bốc lên từ nắp ca-pô thì phải dừng xe ngay.

Sau đó, mở nắp ca-pô xe để tạo khoảng trống cho hơi nóng động cơ thoát ra ngoài.

Chờ xe hạ nhiệt từ 30-60 phút

Trong lúc chờ nhiệt độ giảm, tài xế nên kiên nhẫn đợi đồng hồ báo nhiệt trở về mức bình thường (có thể mất từ 30 phút đến 1 tiếng) rồi mới tiến hành kiểm tra.

Điều tối kỵ mà tất cả lái xe cần lưu ý là không được mở nắp két nước ngay, bởi lúc này nhiệt độ cao khiến áp lực của nước trong két rất lớn, khi mở nắp có thể khiến nước phun trào ra gây bỏng.

Hà Nội vào mùa nắng nóng, xử lý như thế nào khi xe ôtô báo quá nhiệt - 1

Động cơ xe nóng có thể do thiếu nước làm mát hoặc bị rò rỉ nhưng vẫn có thể kiểm soát tình hình bằng những kỹ năng đơn giản. Ảnh: Nguyễn Tuấn/Otofun 

Kiểm tra nước làm mát

Khi động cơ ôtô đã nguội, tài xế hãy mở nắp két nước để kiểm tra. Hầu hết các xe đều có một bình chứa nước để dẫn vào két nước, có thể quan sát bằng mắt thường mực nước có đầy hay không. Nếu xe có bình chứa, hãy đổ đầy lượng dung dịch làm mát; trong trường hợp khẩn cấp không có dung dịch làm mát có thể thay bằng nước sạch.

Nếu xe không có bình chứa, bắt buộc chờ cho hệ thống làm mát nguội hẳn rồi mới mở nắp để thêm dung dịch hoặc nước.

Tìm kiếm vết rò rỉ

Có nhiều trường hợp, ôtô của bạn bị quá nóng do hệ thống làm mát bị rò rỉ ở đường ống, đầu xi-lanh hay các lá mỏng ở két nước do bị đá văng lên... Nếu không thể tự kiểm tra thì hãy đưa xe tới một cửa hàng sửa chữa gần nhất để thợ kỹ thuật xem xét.

Trao đổi với phóng viên, anh Vũ Quang Việt, một người có kinh nghiệm lái xe cho biết, việc động cơ bị nóng, kim chỉ nhiệt độ lên đến chữ H (viết tắt của từ Hot - nóng) là một điều đáng lo ngại. Việc bị rò rỉ nước làm mát là vấn đề đơn giản dễ nhận thấy và dễ kiểm tra, nhưng nếu không rò rỉ mà nóng nước là cả một vấn đề, phải xem xét kỹ, đặc biệt đối với động cơ diesel.

Việc sôi nước có rất nhiều nguyên nhân, như quạt giải nhiệt két nước bị trục trặc, bơm nước làm mát yếu hoặc nặng hơn là gioăng quy-lát ( chi tiết làm bằng thép hoặc bằng vật liệu chịu nhiệt, nằm giữa lốc động cơ và quy lát) bị thổi gioăng gây ra hiện tượng sôi nước.

Trong đó thổi gioăng quy-lát là một vấn đề rất nghiêm trọng có thể dẫn đến hao nước làm mát rất nhanh gây ra động bị quá nhiệt và dẫn đến làm bó máy.

Theo Anh Tuấn

Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét