Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

Liên tiếp tai nạn do tài xế say xỉn - Do mức phạt quá nhẹ?

Dân trí Bốn người trong đoàn di quan tại Bình Định bị đâm vào trưa 11/4, nữ lao công tại Hà Nội tử nạn trong đêm 22/4, hai phụ nữ đi xe máy tại hầm Kim Liên (Hà Nội) bị xe tông vào rạng sáng 1/5… tất cả quá thương tâm và đều do tài xế say rượu gây ra. Có lẽ đã đến lúc phải xem lại các hình phạt đối với hành vi lái xe sau khi đã uống rượu, bia.


Lái xe say rượu

Chiếc Hyundai Veracruz mang BKS 29A - 784.09 gây tai nạn tại Hà Nội tối 22/4/2019

Nghị định 46/2016/NĐ-CP có quy định các mức phạt dành cho tài xế cầm lái khi đã uống rượu, bia được như sau:

Điều 5. Xử phạt người Điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

Điểm 6, khoản a: Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe khi có hành vi vi phạm sau: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở. Và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

Điểm 8, khoản b: Phạt tiền từ 7-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe khi có hành vi vi phạm sau: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1lít khí thở; Và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Điểm 9 khoản a: Phạt tiền từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe khi có hành vi vi phạm sau: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 04 tháng đến 06 tháng.

-----------------

Mức phạt này có thể là cao đối với phần đông người lao động Việt Nam với mức thu nhập trung bình khoảng 50 triệu/năm (GDP khoảng 2.400 USD); tuy nhiên, nếu so với thu nhập của những người sở hữu ô tô thì có lẽ chưa đủ sức răn đe. Bằng chứng là ngày càng có nhiều vụ tai nạn thương tâm do tài xế cầm lái sau khi đã uống rượu, bia.

Trong khi đó, ở một số quốc gia khác, hình phạt đối với vi phạm này được đánh giá là cực kì nghiệm khắc. Việc so sánh các mức phạt cao/thấp giữa Việt Nam và các nước phát triển là không tương xứng; tuy nhiên nếu xét đến việc các hình phạt về tội uống rượu/bia khi lái xe mang tính răn đe, phòng ngừa tai nạn thì rõ ràng, đây cũng là một biện pháp đáng suy nghĩ.

Tài xế xe Lexus biển đẹp gây tai nạn khiến bốn người tử vong tại Bình Đình.

Tại Nhật Bản: Với nồng độ cồn từ 0,15 mg/lít khí thở (tương đương với 1 ly bia), người điều khiển xe bị quy vào lỗi "lái xe trong điều kiện không tỉnh táo", bị phạt 500.000 Yên (khoảng 4.500) và đối mặt với việc bị phạt giam giữ tới 3 năm. Nếu bị cảnh sát phát hiện lái xe trong tình trạng "say rượu", thì người vi phạm có thể bị phạt triệu Yên và thời gian giam giữ tới 5 năm.

Tại Anh: Người lái xe sẽ bị phạt ngay khi bị phát hiện ra có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép mà có ý định điều khiển phương tiện tham gia giao thông (tức là chỉ cần ngồi sau tay lái mà chưa lăn bánh). Mức phạt này lên tới 2.500 bảng Anh đi kèm án phạt tù từ 3 - 6 tháng, và bị tước bằng lái 01 năm (hoặc 3 năm nếu tái phạm).

Tại Mỹ: Mỗi bang đều có một mức phạt khác nhau nhưng đều tương đồng ở việc khá nặng tay, và tất cả đều đánh vào kinh tế của người vi phạm. Nếu bị kết luận là bạn lái xe dưới tác động của rượu/bia (DUI) bạn sẽ phải trả: tiền phạt 300-1.000 USD cho lần đầu tiên vi phạm, lần tiếp theo là 15.000 USD trở lên, phí thử nồng độ cồn trong máu 500-1.000 USD, phí kéo xe về nơi cất giữ 300-500 USD (kèm phí trông giữ, phí lấy xe ra), phí bảo hiểm tăng mạnh (thay vì 100 USD/tháng sẽ thành 300 - 500 USD/tháng), thậm chí nếu muốn trình bày/giải trình về vi phạm, cảnh sát sẽ cử người ngồi nghe với mức phí 150 USD (chỉ ngồi nghe và tiếp nhận). Đáng quan tâm, người vi phạm sẽ phải tham gia các khoá học (lại tiền) và qua các kì thi gắt gao, phải gắn thiết bị kiểm soát nồng độ cồn vào xe (vào bộ phận chìa khoá điện khởi động xe) với chi phí thuê thiết bị gần 3.000 USD để giám sát trong khoảng thời gian nhất định.

Tại Singapore: Mức phạt lên đến 5.000 SGD (tương đương 3.600 USD) và đối diện với 6 tháng tù giam sẽ dành cho các tài xế có nồng độ cồn 0,35 mg/lít khí thở. Đối với các hành vi tái phạm, hình phạt cũng sẽ tăng thêm; lần thứ 2 bị phạt tù từ 6 đến 12 tháng và phạt tiền từ 3.000 - 10.000 SGD, phạt 30.000 SGD và 3 năm tù, tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế phạm lỗi lần thứ 3.

Tại Hàn Quốc: 0,05 mg/lít khí thở, người lái xe sẽ bị quy vào tội hình sự và có thể ngồi tù 3 năm và phạt 10 triệu won (khoảng 8.800 USD) và bằng lái sẽ bị đình chỉ hoặc thu hồi tùy mức độ.

Liên tiếp tai nạn do tài xế say xỉn - Do mức phạt quá nhẹ? - 3

Tài xế chiếc Mercedes-Benz mang biển kiểm soát 30F-154.78 khiến hai người chết tại Hà Nội rạng sáng ngày 1/5/2019

Trong khi đó, tại Luật Hình Sự 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ Luật Hình Sự năm 2017 quy định,

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.".

Như Phúc

Bảng giá xe

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét