Việc ông Carlos Ghosn bị bắt ngay khi máy bay riêng của ông hạ cánh xuống sân bay Haneda ở Tokyo vào tháng 11/2018 đã gây sốc cho toàn bộ giới kinh doanh. Nhưng giờ đây, việc ông bỏ trốn khỏi Nhật Bản trong thời gian tại ngoại chờ xét xử còn gây chấn động hơn.
Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã gửi lệnh truy nã đỏ tới Lebanon yêu cầu truy tìm và bắt giữ ông Ghosn. Tuy nhiên, lệnh truy nã đỏ không phải lệnh bắt giam, Lebanon và Nhật Bản cũng không ký hiệp ước dẫn độ, trong khi Lebanon cho biết ông Ghosn nhập cảnh nước này một cách hoàn toàn hợp pháp, nên sẽ khó có chuyển ông bị trả về Nhật.
Chân dung một ông trùm ngành ô tô
Carlos Ghosn, 65 tuổi, từng là chủ tịch kiêm CEO của Nissan và Renault. Năm 1999, Renault và Nissan bắt tay thành lập liên minh chiến lược, và ông Ghosn trở thành chủ tịch sáng lập kiêm CEO của liên minh này. Ông nhận trọng trách khôi phục Nissan. Đến năm 2016, ông đã thực hiện thương vụ thâu tóm Mitsubishi , hình thành nên liên minh sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới. Ông giữ vị trí chủ tịch của cả ba công ty, đồng thời là CEO của Renault.
Ở Nhật Bản, không có nhiều lãnh đạo công ty là người nước ngoài, ông Ghosn trở thành ngôi sao vì đã giúp khôi phục Nissan.
Sinh ra ở Brazil trong gia đình có bố mẹ là người Lebanon nhập cư, ông Ghosn có cả hộ chiếu Pháp và Lebanon. Ông lớn lên ở Beirut (Lebanon), sau đó theo học tại Đại học Bách Khoa École danh giá ở Paris rồi về làm cho Michelin. Ông đã có 18 năm đầu sự nghiệp gắn bó với nhà sản xuất lốp Pháp này. Renault mời Ghosn về làm việc vào năm 1996, nơi ông được mệnh danh là "Vua cắt giảm chi phí" nhờ chiến dịch tái cơ cấu mạnh tay.
Ông đã lặp lại điều đó ở Nissan sau khi Renault thâu tóm 43,4% cổ phần công ty vào năm 1999, biến bản thân trở thành một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành công nhất thế giới. Chủ tịch liên minh DaimlerChrysler trước đây - ông Jürgen Schrempp đặt cho Ghosn một biệt danh khác, đó là "Kẻ phá băng", bởi khả năng phá vỡ những nguyên tắc kinh doanh cứng nhắc của Nhật Bản và chèo lái Nissan từ lỗ thành lãi chỉ trong vòng một năm.
Ghosn là người kiến tạo và duy trì quan hệ liên minh giữa Renault và Nissan, rồi sau này thêm Mitsubishi, nhằm chia sẻ chi phí và phụ tùng. Cơ chế sở hữu cổ phiếu chéo kì lạ đã ràng buộc ba nhà sản xuất ô tô lại với nhau mà không cần tiến hành sáp nhập. Ông Ghosn khẳng định rằng mối lo ông sẽ thúc ép việc sáp nhập hoàn toàn với Nissan chính là lý do chính khiến ông bị "bẫy" vào bê bối gian lận tài chính.
Ông bị cáo buộc tội danh gì?
Carlos Ghosn bị bắt vào ngày 19/11/2019 ở Tokyo với tội danh khai báo thiếu khoảng một nửa thu nhập trong thời gian 5 năm.
Một tháng sau, ông bị bắt lần thứ hai với cáo buộc không khai báo đầy đủ thu nhập trong thêm 3 năm nữa.
Đến 21/12/2018, ông lại nhận lệnh bắt giam vì những cáo buộc mới. Các công tố viên Nhật Bản cáo buộc ông chuyển khoản lỗ cá nhân trị giá 16,6 triệu USD sang cho Nissan gánh.
Trong lần đầu tiên xuất hiện trước toà vào tháng 1/2019, ông tuyên bố mình vô tội và cho biết mình bị oan. Ông đã được tại ngoại sau khi đóng tiền bảo lãnh.
Các công tố viên Nhật Bản bắt ông lần thứ 4 vào tháng 4/2019, với cáo buộc tư lợi từ kinh phí của Nissan. Ông một lần nữa được tại ngoại nhờ nộp tiền bảo lãnh, nhưng theo các luật sư, là chỉ sau khi bị biệt giam và trải qua 130 ngày thẩm vấn.
Tại sao ông trốn khỏi Nhật Bản?
Ông Ghosn đã gây bất ngờ và phẫn nộ cho giới chức Nhật Bản khi đào tẩu thành công sang Lebanon qua đường Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 30/12/2019 dù bị đặt dưới sự quản thúc chặt chẽ và bị tịch thu cả 3 hộ chiếu. Một nguồn tin giấu tên cho biết, ông Ghosn không tin là ông sẽ được xét xử công bằng tại Nhật. Tỷ lệ kết án tại Nhật lên tới 99% đối với các cáo buộc hình sự.
Với các tội danh như trên, ông Ghosn đối mặt với án tù tối đa là 15 năm.
Một số nguồn tin chia sẻ với hãng tin Reuters rằng việc phiên toà xét xử bị trì hoãn và việc bị kiểm soát chặt chẽ sự giao tiếp với vợ đã khiến ông muốn bỏ trốn khỏi Nhật.
Ông trốn khỏi Nhật bằng cách nào?
Cuộc chạy trốn của ông Carlos Ghosn khỏi Nhật Bản, dù đang bị giám sát an ninh chặt chẽ và thu giữ hộ chiếu, đã tạo nên nhiều tin đồn ly kỳ. Được quan tâm nhất trong số đó là thông tin ông đã thoát khỏi sự kiểm soát bằng cách trốn trong thùng đựng nhạc cụ sau một buổi hoà nhạc tại nhà.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ đài NHK, dẫn một nguồn tin giấu tin từ cơ quan điều tra, camera an ninh đã ghi được hình ảnh ông Ghosn rời nhà ở Tokyo vào chiều 29/12/2019 và sau đó không hề quay lại.
Ông được cho là đã lên một chiếc máy bay cá nhân từ sân bay Kansai ở miền tây Nhật Bản.
Hiện giới chức Nhật Bản đã hủy các điều khoản tại ngoại đối với ông Ghosn và đang khẩn trương tiến hành điều tra cách thức ông này bỏ trốn. Nếu trở lại Nhật Bản, ông Ghosn sẽ bị bắt thay vì được tại ngoại.
Liệu ông có được an toàn khi ẩn náu ở Lebanon?
Hôm qua 2/1, một nhóm luật sư đã đệ đơn lên toà án Lebanon, cáo buộc ông Ghosn có một số chuyến đi tới Israel với tư cách chủ tịch Renault và sau đó là Nissan, như vậy là vi phạm quy định cấm công dân Lebanon qua lại với nước có mối quan hệ thù địch.
Việc này có thể khiến ông Ghosn đối mặt với tội danh còn nghiêm trọng hơn cả gian lận tài chính và có thể khiến ông đối diện với án tù 15 năm ở Lebanon.
Nhật Minh
Theo Washington Post, The Guardian
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét