Nếu như năm 2018, các hàng rào kỹ thuật còn gây khó khăn cho các thương hiệu kinh doanh nhập khẩu ôtô, khiến số lượng xe chỉ đạt khoảng 81.000 xe, thì sang đến năm 2019 vừa qua, hầu hết đã "vượt rào" thành công, lượng xe nhập khẩu ngày càng nhiều, đặc biệt là từ khu vực ASEAN.
Lượng xe đổ vào Việt Nam trong năm 2019 vừa qua đã đạt hơn 140.000 xe, tăng 69,3% so với năm 2018, tương đương kim ngạch 3,16 tỷ USD, tăng 73%.
Trong đó, lượng xe từ Thái Lan và Indonesia chiếm tới 86,6%, cùng giá trị lên tới 2,15 tỷ USD. Các thương hiệu nhập khẩu xe từ Thái Lan và Indonesia chủ yếu là các dòng xe dưới 9 chỗ và xe bán tải.
Đáng chú ý là ngày càng có nhiều các thương hiệu chuyển sang nhập khẩu và chỉ còn lại rất ít dòng xe lắp ráp trong nước. Điều này cho thấy một thực tế là việc lắp ráp trong nước không mang lại hiệu quả kinh doanh cho các hãng, so với việc nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia - hai nước có nền công nghiệp ôtô đi trước Việt Nam nhiều năm.
Trong số này, có thể kể đến Toyota chỉ còn lắp ráp Vios, Innova và (một phần) Fortuner; còn lại nhập khẩu Camry, Hilux, Wigo, Avanza, Rush, Yaris (chưa kể các mẫu xe hạng trung cao cấp khác). Tương tự, Honda giữ City lại lắp ráp, trong khi nhập khẩu Civic, Accord, CR-V, HR-V, Jazz… Mitsubishi nhập khẩu Xpander, Pajero/ Pajero Sport, Mirage/Attrage và Triton, chỉ duy trì lắp ráp Outlander.
Cũng trong năm 2019 vừa qua, thị trường Việt Nam đã chi tổng cộng 4,16 tỷ USD để nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ôtô, tăng 16% so với năm 2018. Ngoài ra cũng đã có gần 850 triệu USD được dành cho việc nhập khẩu xe máy và linh kiện, phụ tùng.
Việt Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét