Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

Muôn kiểu định nghĩa "cảm giác lái" của người Việt

Dân trí "Cảm giác lái" là gì? Cho đến hiện tại, đây vẫn là một khái niệm "muốn hiểu thế nào cũng được" đối với người Việt...


Thực tế, từ "cảm giác" cũng đã mang lại một khái niệm rất mơ hồ, có thể hiểu nó được đưa vào tiềm thức của người bằng những lời truyền miệng. Rồi mỗi người dùng lại có một quan điểm khác nhau, với độ thú vị cũng khác nhau.

Muôn kiểu định nghĩa

Muôn kiểu định nghĩa cảm giác lái của người Việt - 1

"Cảm giác lái" là một khái niệm mơ hồ

Đối với những người ưa thích xe cũ, xe cổ điển thì cảm giác lái "chuẩn" là phải nặng, lái xe phải mệt một chút mới cảm xúc. Cũng có người dí dỏm cho rằng, Toyota Vios là chiếc xe cho người chủ một cảm giác lái thư giãn hơn cả BMW 3-Series, vì chẳng cần phải lo nghĩ quá nhiều về nhiên liệu, về những lần bảo dưỡng với chi phí nhiều số 0, đặc biệt là chằng phải lo sau này bán đi sẽ mất giá như một chiếc 3-Series.

Hay đối với những thanh niên trẻ, nếu cảm giác lái mà họ mong muốn phải là sự hưng phấn khi nhìn thấy tất cả các xe còn lại nhỏ đi và mờ dần sau gương chiếu hậu, thì thường những người đứng tuổi lại cần một chiếc xe mang lại cho họ trải nghiệm đi từ Hà Nội đến Đà Nẵng mà không không mỏi lưng.

Hỏi thử chủ nhân của một chiếc Mercedes-Benz S450 về cảm giác lái, PV Dân trí nhận được câu trả lời rằng: Đó là sự êm ái, cách âm tuyệt vời, ngồi ở trong xe chẳng khác gì ngồi ở một thế giới riêng biệt.

Cũng với câu hỏi ấy, nhưng một chàng trai trẻ đi BMW 335i lại trả lời là: Mặt đường như thế nào, người lái cảm nhận và lường được hết, ngoài ra còn là khả năng lái, đặt bánh chính xác ở nhiều dải tốc độ, hay có thể hoàn thành những khúc cua một cách gọn gàng, nhanh chóng.

Đối với một "dân chơi" đang sử dụng Chevrolet Camaro, câu trả lời đơn giản đến bất ngờ: Nó phải dính lưng!

Vậy "cảm giác lái" là gì?

Có thể tạm phân chia khái niệm "cảm giác lái" ra làm ba yếu tố:

Hưởng thụ: Quan trọng là chiếc xe phải êm ái, có thể một chiếc xe ồn ào và lúc nào cũng nảy "tưng tưng" khi đi qua đường xóc sẽ cho ta cảm giác thích thú trên một đoạn đường ngắn, nhưng sẽ khá mệt với một hành trình dài.

Động cơ mạnh mẽ: Phải thừa nhận rằng cảm giác "dính lưng" vào ghế mỗi khi đạp ga chưa bao giờ là một trải nghiệm nhàm chán. Động cơ này thường sẽ đi kèm một hệ truyền động tốt, để đảm bảo khả năng tăng tốc mượt mà.

Tay lái chính xác: Sẽ rất có lợi nếu như người lái biết chính xác những gì đang xảy ra giữa chiếc xe và mặt đường. Trên đường đua, những chiếc xe đua không dùng cao su giảm chấn cho hệ thống treo, sự êm ái mà gối cao su mang lại được đánh đổi bằng sự phản hồi chính xác, cũng như giảm bớt sự dao động của hệ thống treo và hệ thống lái, nhằm mang đến chiếc xe phản ứng chính xác với tay lái. Nhưng nếu để đi hàng ngày, những chiếc xe như thế sẽ xóc "lộn mề" và không ai thích.

Muôn kiểu định nghĩa cảm giác lái của người Việt - 2

Rất khó để tất cả các yếu tố mang lại "cảm giác lái" đều hội tụ cùng nhau

Điều đáng buồn là ba yếu tố trên thường không đi cùng với nhau, ví dụ như một chiếc xe với xu hướng hưởng thụ, êm ái thì thường tỉ lệ nghịch với khả năng vào cua và lái chính xác. Một chiếc Lexus LX570 nếu chạy trên địa hình xấu chắc chắn sẽ êm hơn BMW 335i, nhưng nếu vào cua với vận tốc khoảng 100 km/h thì sẽ có nguy cơ lật, trong khi BMW 335i có thể làm được điều đó nếu có sự khéo léo của người lái.

Nếu ai đó muốn tạo ra chiếc xe sở hữu cả hai khả năng thì họ sẽ gặp vấn đề siêu lớn về công nghệ, cũng như giá thành.

Hệ thống treo chủ động (Adaptive Suspension) là một trong những giải pháp mà các hãng sử dụng. Mẫu Mercedes-Benz GTR có khả năng làm cứng các gối cao su được đặt trong hệ thống treo khi cần chạy nhanh để làm rõ những phản hồi giữa người và xe, nhưng cũng có thể làm mềm để tạo ra sự êm ái khi vận hành bình thường.

Quay lại với vấn đề cấu tạo tay lái nặng cho cảm giác lái thật hơn, xe không có trợ lực lái sẽ cho cảm giác lái thật nhất, nhưng hiếm ai đủ sức "vần" vô lăng như vậy trên cả một quãng đường dài. Đó là lý do hệ thống trợ lực lái ra đời.

Ở giai đoạn trợ lực sử dụng dầu (hydraulic), bên trong thước lái có một bộ phận được gọi là thanh xoắn (torsion bar - giống tên một bộ phận trong hệ thống treo). Hãy tưởng tượng bộ phận này cũng tương tự một chiếc đũa dẻo, khi vặn lái là ta vặn đầu trên của chiếc đũa, đầu dưới sẽ đàn hồi và di chuyển sau khi ta vặn đầu trên.

Trợ lực lái dầu hoạt động trên nguyên lý đó, bởi cấu tạo có một thanh đàn hồi nên thực chất khi vặn lái, các bánh xe sẽ chuyển hướng sau một khoảng thời gian rất nhỏ, độ chính xác không cao của trợ lực lái dầu cũng vì vậy mà ra.

Những kỹ sư người Đức của BMW nghĩ rằng tăng độ cứng của "chiếc đũa" này sẽ giảm độ trễ của tay lái và như thế, cảm giác lái sẽ chính xác hơn. Điều này khá đúng, nhưng đổi lại là tay sẽ phải nặng hơn. Mặc dù cho các hãng khác cùng công nghệ đã chọn hướng ngược lại, nhưng có lẽ vì BMW đã chọn slogan là "Ultimate driving machine", thì phải làm sao cho xứng danh.

Dù là với nền tàng công nghệ nào, thì một chiếc xe bao giờ cũng thiên về một hướng nào đó: hoặc là phải thật êm ái, hoặc là phải thật bám đường. Bất cứ chiếc xe nào cũng sẽ chỉ đứng về một hướng, người mua xe không nên tìm Lexus trong showroom của Porsche và ngược lại.

Trung Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét