Ngay cả trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, doanh thu và lợi nhuận của Nissan đã bị sụt giảm, đẩy hãng rơi vào cảnh phải "đốt tiền" để duy trì hoạt động và đình chỉ kế hoạch mở rộng đầy táo bạo của cựu chủ tịch Carlos Ghosn. Thay vào đó, tình trạng khẩn cấp mà dịch bệnh mang lại buộc Nissan phải tính đến việc đổi mới nhằm thu hẹp quy mô sản xuất.
Hiện Nissan vẫn chưa chốt mục tiêu doanh số mới, và không rõ liệu con số này có được công bố chính thức hay không.
Tuy nhiên, theo hai nguồn tin của Reuters, kế hoạch tái cấu trúc đến hết tháng 3 năm 2023 của Nissan sẽ dựa trên giả định rằng hãng sẽ chỉ có thể quay trở lại doanh số hàng năm 5 triệu xe vào thời điểm đó. Nguồn tin cũng cho biết, công suất của Nissan sẽ sụt giảm mạnh.
Con số này thấp hơn 1 triệu xe so với mục tiêu 6 triệu xe được đưa ra hồi tháng 7 năm ngoái bởi cựu CEO Hiroto Saikawa. Trước đó, chính ông Saikawa cũng đã phải cắt giảm mục tiêu 8 triệu xe được đưa ra dưới thời cựu chủ tịch Ghosn. Nissan có thể đã bán được khoảng 5 triệu xe trong năm tài chính vừa qua, nhưng đến năm nay, triển vọng có vẻ ảm đạm hơn do tác động của dịch bệnh.
Trong nhiều năm, Nissan đã cố gắng đạt doanh số hàng năm khoảng 7-8 triệu xe. Tuy nhiên, con số thực tế chưa bao giờ vượt quá 5 triệu. Theo một nguồn tin chia sẻ với Reuters: "Công ty không còn dám nghĩ đến mục tiêu này. Vấn đề thay đổi quy mô đang thực sự được tính đến, và nó sẽ tác động rất nhiều đến các hoạt động trong giai đoạn 2020-2022." Một nguồn tin thứ ba của công ty cho biết con số này thậm chí có thể thấp hơn 5 triệu do ảnh hưởng của dịch bệnh, khiến nhu cầu xe hơi trên toàn thế giới sụt giảm nghiêm trọng. Chi tiết cụ thể của kế hoạch tái cấu trúc vẫn chưa được hoàn thiện.
Vào tháng 7 năm ngoái, Nissan cho biết hãng đặt mục tiêu cắt giảm công suất sản toàn cầu xuống còn khoảng 6,5 triệu xe mỗi năm. Thu hẹp mục tiêu doanh số của hãng xuống ít hơn 1 triệu xe sẽ tương đương với việc đóng cửa thêm 3 đến 4 nhà máy lắp ráp và cắt giảm thêm hàng ngàn việc làm so với kế hoạch công bố trước đó, vốn đã giảm 10% lực lượng lao động. Việc cắt giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến các nhà cung cấp và đại lý của hãng.
Nissan hiện từ chối bình luận về tiến trình đưa ra một kế hoạch trung hạn mới. Phát ngôn viên của hãng cho biết, thông tin cụ thể sẽ được công bố vào tháng 5 tới.
Một nguồn tin cho biết, thước đo chủ chốt trong kế hoạch phục hồi sẽ là tỷ suất lợi nhuận hoạt động và CEO mới Makoto Uchida có khả năng sẽ giữ mục tiêu 6% của người tiền nhiệm Saikawa. Trong quý 3 năm ngoái, lợi nhuận biên của Nissan chỉ là 0,9%.
Để so sánh, lợi nhuận hoạt động tại các nhà sản xuất ô tô hàng đầu là Toyota Motor và Volkswagen AG trước khi dịch Covid-19 xuất hiện đều nằm trong khoảng 8%.
Một ưu tiên hàng đầu khác của Nissan là đảm bảo dự trữ tiền mặt.
Tính đến tháng 12/2019, các cơ sở của Nissan đã bị âm dòng tiền 670,9 tỷ yên, gấp hơn 6 lần so với một năm trước. Đây bị coi là điều không thể chấp nhận được. Nissan hiện đã ký một cam kết trị giá 4,6 tỷ USD với các nhà cho vay lớn để giải quyết hậu quả của đại dịch trong khi hãng tìm cách lên kế hoạch tái cấu trúc.
Lạc Diệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét