Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong Dự thảo có nêu rõ hai nhiệm vụ và giải pháp là "giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước" và xây dựng "các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội".
Trước đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Bộ Công Thương cũng đã có các đề xuất tương tự trình lên Chính phủ.
Việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được kỳ vọng sẽ giảm giá mua ôtô khi đến tay người tiêu dùng và kích cầu tiêu thụ các sản phẩm nội địa trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát gây ra những khó khăn cho các doanh nghiệp, mà nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu mua sắm giảm và thiếu hụt linh kiện nhập khẩu.
Trong khi đó, đề xuất xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt được xem như một giải pháp lâu dài, giúp giảm giá xe về sau khi loại thuế này đang chiếm một phần lớn trong cơ cấu giá của một chiếc ôtô bán ra tại Việt Nam.
Nếu các đề xuất được thông qua, trước mắt, người tiêu dùng có thể hưởng lợi khi giá lăn bánh của ôtô nội địa giảm đi đáng kể, đặc biệt đối với xe con dưới 9 chỗ ngồi khi đang được sản xuất, lắp ráp trong nước nhiều nhất và có mức lệ phí trước bạ cao nhất trong số các loại xe bán ra ở Việt Nam.
Hiện tại, mức lệ phí trước bạ đăng ký xe con dưới 9 chỗ ngồi tại hầu hết các tỉnh, thành ở Việt Nam là 10% và cao nhất ở một số nơi như Hà Nội lên tới 12%.
Thị trường ôtô Việt Nam hiện cũng có hàng loạt các mẫu xe ăn khách đang được lắp ráp trong nước như: Vios, Innova, Fortuner của Toyota; ôtô Hyundai; ôtô Kia và Mazda; một số dòng xe Mercedes-Benz...và toàn bộ sản phẩm VinFast.
Nhiều mẫu xe trong đó sở hữu mức giá lên tới hàng tỷ đồng như phiên bản cao cấp nhất của VinFast Lux SA2.0 đang có giá tính lệ phí trước bạ 1,8589 tỷ đồng, do đó khách hàng có thể giảm được giá lăn bánh tới 111,534 triệu đồng (đăng ký tại Hà Nội). Còn đối với mẫu xe đang bán chạy nhất tại thị trường Việt Nam - Toyota Vios, phiên bản G cao cấp nhất có giá 570 triệu đồng, người mua có thể được giảm tới 34,2 triệu đồng (Hà Nội).
Trong khi đó, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến thị trường ô tô Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn đầu năm 2020. Cụ thể, doanh số bán xe trong quý 1/2020 của các thành viên Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) chỉ đạt 52.557 chiếc, giảm 33% so với cùng kì năm ngoái.
Doanh số ôtô Hyundai cũng không khả quan hơn, khi TC Motor thông báo chỉ bán được 15.362 chiếc trong cùng quãng thời gian trên, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhiều nhà máy sản xuất của các hãng xe như Ford, Toyota, Honda,... đã tạm dừng hoạt động từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 và hiện vẫn chưa mở cửa trở lại.
Theo Kỳ Huệ
Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét