Bán tống bán tháo
Trao đổi với phóng viên, anh L.V.H (chủ một gara ôtô tại Bắc Ninh) cho biết, chi phí để sửa chữa những hỏng hóc liên quan đến động cơ xe ô tô không hề rẻ, nếu không muốn nói là rất đắt đỏ. Chi phí sửa một chiếc xe bị thủy kích, nhẹ thì vài chục triệu đồng, nặng thì vài trăm triệu.
"Chính vì chi phí sửa chữa đắt đỏ, xe sửa xong vẫn có thể xuất hiện lỗi vặt, "bệnh lạ" sau một thời gian sử dụng nên chủ sở hữu thường tìm cách bán tống bán tháo xe bị thủy kích. Họ chấp nhận bán với giá rẻ để thanh khoản rồi tìm cách mua xe mới chứ không tiếp tục sử dụng xe bị thủy kích.
Chủ xe dính thủy kích thường sửa chữa qua loa, đủ để xe hoạt động, sau đó "mông má" lại cho sáng sủa rồi thanh lý. Người mua xe cũ nếu không am hiểu về ôtô, không được tư vấn kỹ thì rất dễ mua phải xe bị thủy kích. Khi đó, chiếc xe tưởng chừng như là một tài sản có giá trị lại trở thành "món nợ" cho chủ xe khi phải bỏ ra một khoản tiền lớn để sửa những lỗi liên quan đến thủy kích", anh H. chia sẻ.
Anh H. cho rằng, việc giá xe cũ giảm sâu trong thời gian qua có liên quan đến việc nhiều xe bị dính thủy kích trong những trận ngập lụt tại các thành phố lớn. Do vậy, những người có ý định mua xe cũ cần tính toán kỹ trước khi đưa ra quyết định.
"Có rất nhiều mẹo để kiểm tra xem xe có bị thủy kích hay không, người có ý định mua xe cũ nên tìm hiểu trước để có được kiến thức cơ bản. Nếu xe đã từng ngập nước thì sẽ bị mùi ẩm mốc. Xe đã sơn lại sẽ có những vùng màu sắc không đồng nhất với toàn thân xe.
Khi xem xe cũ hãy kéo hết dây an toàn lên kiểm tra. Nếu phần cuối dây an toàn bị mốc, ố màu, có màu khác lạ so với phần còn lại hoặc có ngấn thì nhiều khả năng xe đã từng bị ngập nước.
Sau khi khởi động máy nên lắng nghe xem âm thanh của máy có khác lạ, có mùi lạ khi xe khởi động không? Nghe thử đầu đĩa, đài phát thanh trên xe xem có hiện tượng rè, nhiễu không? Nếu trên xe cũ mà có bộ đài mới cứng cũng là một dấu hiệu chứng tỏ đã bị thay thế khi xe bị ngập nước.
Khi chạy thử xe đừng vội vào số và rồ ga tăng tốc, thay vào đó là để nổ cầm chừng rồi nhẹ nhàng vào số nhả côn chậm và đều. Nếu chiếc xe tăng tốc từ từ theo độ mở chân côn và máy nổ êm, không bị rung giật hay chết máy thì có nghĩa động cơ xe hoạt động tốt.
Đó là những mẹo mà anh em kỹ thuật hay chia sẻ với nhau, không phải là một cách chính xác để xác định xe có dính thủy kích hay không. Vì thế, người mua xe cũ vẫn cần cẩn trọng", anh H. chia sẻ.
Tâm lý khôn lỏi
Cùng chia sẻ về vấn đề này với Đất Việt, Kỹ sư Lê Văn Tạch - người từng công tác tại bộ phận kỹ thuật của hãng Toyota Việt Nam cho biết, hiện tượng thủy kích là hiện tượng nước tràn vào buồng đốt động cơ qua đường hút gió. Khí trong buồng đốt sẽ nén được, nhưng nước là chất lỏng sẽ không nén được.
Khi lượng nước vào nhiều hơn thể tích của buồng đốt sẽ dẫn đến hiện tượng thủy kích. Tay biên sẽ bị cong lại giúp thể tích buồng đốt tăng lên để chứa được số nước tràn vào. Trong trường hợp này, sẽ dẫn đến chết máy, nếu cố gắng khởi động lại động cơ sẽ khiến cho tay biên bị gãy, vỡ lốc máy.
"Để khắc phục sự cố cong tay biên, vỡ lốc máy, thì buộc phải hạ máy xuống để thay tay biên, lốc máy. Ngoài ra cũng cần đo kiểm lại các trục cơ xem còn sử dụng được hay không, trong trường hợp cong rồi thì cũng phải thay thế. Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng, những trường hợp bị thủy kích nặng, khi sửa chữa sẽ tốn rất nhiều chi phí", vị Kỹ sư cho biết.
Theo Kỹ sư Tạch, người có xe bị dính thủy kích thường có tâm lý khôn lỏi. Họ thường sửa qua loa, tiết kiệm chí phí rồi bán thanh lý với giá rẻ chứ không sử dụng xe đó nữa. Chính vì vậy, những khách hàng nào mua phải xe dính thủy kích thường phải gánh chịu hậu quả.
"Để phát hiện ra xe bị thủy kích cần rất nhiều sự trợ giúp từ các thiết bị kiểm tra. Đặc biệt là những chiếc xe mới chỉ bị cong tay biên nhẹ, chưa vỡ lốc máy người ta vẫn sử dụng, và người mua lại rất khó phát hiện. Đối với những chiếc xe như vậy họ thường bán rẻ hơn bình thường, thu hút sự quan tâm, đánh vào tâm lý ham của rẻ", Kỹ sư Lê Văn Tạch cảnh báo.
Theo Hoàng Hải
Báo Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét