Từ lâu nay, cứ đến tháng Bảy âm lịch hay còn gọi là tháng "cô hồn", nhiều người Việt thường kiêng kỵ mua xe ô tô. Các hãng đồng loạt giảm giá, kích cầu nhưng thông thường, doanh số bán xe ở tháng này thường chậm hơn.
Lý giải nguồn gốc nguyên nhân sâu xa của sự kiêng kỵ này, nhà nghiên cứu văn hóa dân giản, TS Nguyễn Hùng Vĩ, cho biết: Theo quan niệm của Phật giáo, kiếp sống con người là luân hồi, bất kể một người nào hay một loài vật nào cũng có thể là tiền kiếp của chính mình. Con người gồm hai phần là hồn và xác. Khi con người mất đi thì phần hồn vẫn tồn tại, có người thì được đầu thai kiếp khác, có người lại bị đày xuống địa ngục làm quỷ đói, trở thành những linh hồn vô thừa nhận, người ta gọi là cô hồn.
Người ta quan niệm rằng, vào ngày 2/7 âm lịch, hằng năm Diêm Vương cho mở cửa Quỷ Môn Quan để quỷ đói có thể trở lại dương gian rồi đến rằm lại quay về. Chính vì những quan niệm trên, nhiều người cho rằng tháng Bảy âm lịch là tháng của ma quỷ, các vong hồn được thả ra sẽ quấy phá các công việc của con người, theo đó các công việc trọng đại như động thổ xây nhà, mua xe cần được kiêng kỵ. Nếu thực hiện sẽ không được hanh thông và gặp nhiều rủi ro.
"Việc kiêng mua ô tô nằm trong quan niệm những việc nên kiêng làm trong 'tháng cô hồn như vậy. Nhiều người cho rằng trong thời gian đó mọi việc đều có khả năng sẽ gặp xui xẻo do bị quấy phá. Ô tô là vật dụng đắt tiền nên tâm lý kiêng kỵ lại càng nặng. Nếu giá trị chiếc ô tô chỉ bằng một điếu thuốc lá hay một ly trà thì chắc chẳng ai kiêng làm gì", TS Nguyễn Hùng Vĩ bình luận.
Ông cũng cho rằng, việc tham gia giao thông thường gặp nhiều rủi ro nên người Việt càng rất sợ những điều đó, tạo ra tâm lý kiêng kỵ nặng nề.
Cũng chính bởi vậy, khi mua ô tô, hầu hết người Việt hay xem ngày,chọn ngày lành tháng tốt hay kiêng kỵ mua vào ngày xấu, hay tháng Bảy âm lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, theo TS Nguyễn Hùng Vĩ, tháng nào cũng như nhau, ngày tốt ngày xấu là trong quan niệm, chứ đạo Phật không dạy con người phải kiêng kỵ trong tháng Bảy.
"Nếu lái ô tô mà an toàn như ngồi sofa trong phòng lạnh thì chẳng ai kiêng cả. Đó là một quan niệm mê tín".
Theo ông, việc kiêng kỵ mua xe tháng 7 âm lịch không có chuyện đúng sai mà là chuyện tín ngưỡng hay không tín ngưỡng. Cũng không một ai có thể kiểm chứng tính đúng sai ở chuyện kiêng kỵ này.
"Ở các nước không có tín ngưỡng giống ta, họ vẫn mua bán bình thường. "Các quốc gia như Phần Lan, Thụy Sỹ người ta phát triển cực cao nhưng người ta có cần kiêng đâu", ông nói.
TS Vỹ ví von: "Vì cuộc sống sẽ không ngừng lại, trái đất sẽ không ngừng quay nên để mê tín ảnh hưởng đến mọi hoạt động của con người thì nhất quyết không thể được. Con người có niềm tín ngưỡng là để yên tâm về mặt tâm lý, nhưng đừng biến nó rơi vào niềm mê tín tiêu cực. Sự thành công hay thất bại chính là phụ thuộc vào chúng ta".
Theo Thảo Thương - Nguyên Hương
VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét