Nhận diện 3 thương hiệu xe Nga: kẻ mạnh người yếu
Sau 3 năm xuất hiện không rẻ như mong đợi, xe Nga lại một lần nữa gây "nóng" thị trường ô tô Việt Nam bằng việc "đánh tiếng" thương hiệu Lada sắp vào Việt Nam, bán với giá rẻ nhất thị trường, chỉ từ 361 triệu đồng.
Tuy nhiên, dù được miễn thuế thì khả năng cạnh tranh của các thương hiệu ô tô Nga đến đâu so với ô tô Nhật, Hàn, Mỹ đã thông dụng ở Việt Nam?
So với 2 thương hiệu xe Nga đã từng hiện diện ở Việt Nam như UAZ, GAZ..., chỉ có Lada dễ tạo được sự cạnh tranh so với các hãng xe lớn ở Việt Nam, nhờ thiết kế cũng như công nghệ cập nhật thời cuộc.
Theo như một số nguồn tin, Lada nhập khẩu có gần đủ các phân khúc như Vesta Sport sedan cỡ B, Vesta sedan, Vesta Cross SW thuộc dòng wagon, Lada XRAY Cross thuộc dòng crossover.
Năm 2018, trong Top 10 xe bán chạy nhất nước Nga thì đã có 4 mẫu xe của Lada, trong đó, mẫu Lada Vesta đứng đầu bảng, với lượng tiêu thụ trên 100 ngàn chiếc. Đây cũng chính là mẫu xe đang được loan tin sẽ ra mắt Việt Nam vào tháng 6/2019 tới đây.
Nếu có giá 361 triệu cho Lada Vesta bản 1.6 MT, mẫu sedan cỡ B này thực sự là thách thức đối với Hyundai Accent, Toyota Vios, Honda City, Nissan Sunny khi phân hạng giá của phân khúc này đang tồn tại trên dưới 500 triệu đồng.
Trong khi đó, ở phân khúc SUV cỡ nhỏ, Lada Xray mới ra mắt từ năm 2016 với thiết kế dựa trên nền tảng khung gầm B0 của liên doanh Renault - Nissan, vốn áp dụng cho Nissan Juke, Nissan NV200. Mẫu xe này sẽ có bản số sàn giá khoảng 585 triệu đồng và bản số tự động giá 645 triệu đồng, dùng động cơ 2.0 lít và đều trang bị option đầy đủ. Lada Xray cạnh tranh trực tiếp với Hyundai Kona, Honda HR-V, Ford EcoSport.
Còn lại, UAZ và GAZ dường như yếu thế hơn khá nhiều so với các dòng xe đã có mặt tại Việt Nam.
Các đơn vị nhập khẩu xe cũng cho biết, dự kiến thời gian tới, thương hiệu UAZ cũng sẽ được nhập về hai mẫu Hunter và Patriot, giá rẻ hơn trước rất nhiều. Mẫu UAZ Hunter được báo giá 336 triệu đồng cho bản máy dầu và máy xăng là 356 triệu đồng. Hồi cuối năm 2016, nhà phân phối UAZ cũ là AutoK ra mắt Hunter máy xăng là 460 triệu đồng và sau này có thêm bản máy dầu giá 565 triệu đồng.
Xe UAZ chỉ có lựa chọn số sàn là một điểm yếu của hãng xe này, ngoài ra các trang bị tiện nghi, chất lượng hoàn thiện nội thất cũng có một khoảng cách lớn so với các hãng xe Nhật, Mỹ.
Có thể lấy ví dụ mẫu bán tải Pickup của UAZ ra đời từ năm 2008 đến nay nhưng gần như rất ít thay đổi. Chiếc xe này chỉ thuần chất bán tải ở đặc điểm dẫn động 2 cầu, treo sau kiểu nhíp lá, có cải tiến trang bị cài cầu điện nhưng độ chính xác kém.
Nếu như bán tải Nhật, Mỹ liên tục thay đổi thiết kế buồng lái theo xu hướng hiện đại kiểu sedan hay SUV thì UAZ Pickup lại trung thành kiểu đơn giản, thiếu vắng những tiện ích công nghệ như điều hòa tự động, kiểm soát hành trình cruise control, gập gương điện...
Riêng với GAZ, hãng xe có thế mạnh về xe tải, xe khách nhưng phân khúc này hiện đã được lấp đầy bởi các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước. Sau lần đem xe rầm rộ sang Việt Nam trưng bày tại triển lãm Autoexpo 2018, vẫn chưa có chiếc GAZ mới nào chính thức bày bán.
Vì vậy, nếu tạo được lợi thế về giá, GAZ tự tin sẽ có cơ hội hơn UAZ khi mảng xe thương mại tại Việt Nam đang tăng trưởng đều đặn và không có quá nhiều đối thủ.
Bỏ lỡ cơ hội vàng, xe Nga làm lại từ đầu
Thời điểm cuối năm 2016 khi xe UAZ bắt đầu nhập về Việt Nam, đại diện đơn vị phân phối AutoK khi ấy chia sẻ rằng phản hồi từ thị trường rất tốt.
"Bên cạnh khách hàng U50-60 yêu mến UAZ vì xe gắn bó nhiều kỷ niệm về tình hữu nghị Việt-Nga, thì lớp khách hàng mới mong chờ sử dụng dòng xe 2 cầu giá rẻ có tính năng vượt địa hình bền bỉ. Chúng tôi có những đơn đặt hàng chục xe Hunter, Pickup ở Phú Quốc, Đà Nẵng, Tây Nguyên", vị đại diện AutoK chia sẻ.
Tuy nhiên, do không được miễn thuế ngay, kèm vướng mắc ở khâu nhập khẩu nên các khách hàng đợi xe "rơi rụng" dần. Sự quan tâm của thị trường cũng giảm nhanh chóng dẫn đến doanh nghiệp phải thanh lý xe tồn, dừng kinh doanh cuối 2018.
"Đã có những khách chia sẻ rằng không thể tìm mua đâu ra xe mới mui trần lại dẫn động 2 cầu như UAZ Hunter để phục vụ du lịch. Nếu giá xe phù hợp, thị trường sẽ đón nhận nhiều hơn", anh Nguyễn Tuấn, cựu nhân viên bán xe UAZ nói.
Lỡ nhịp năm 2017 không thể phát triển thị trường, bước sang 2018, xe Nga càng khó khăn hơn khi xe lắp ráp trong nước đẩy mạnh tiêu thụ.
Cũng với tầm giá tiền đó, ba ông lớn Toyota, Hyundai, và Thaco tập trung tung ra thị trường sản phẩm có giá cạnh tranh. Hyundai Accent láp ráp vào tháng 4/2018 rẻ nhất phân khúc sedan cỡ B, Kia Morning có thêm phiên bản số tự động giá 355 triệu đồng, các đại lý Toyota liên tục hạ giá Vios, Innova...
Nếu quay trở lại Việt Nam trong năm 2019 này, cả Lada và UAZ chỉ có thể cạnh tranh ở phân khúc giá rẻ (trên dưới 500 triệu đồng). Sẽ rất khó ở phân khúc giá cao hơn, bởi chỉ cần nhìn vào ví dụ Renault "tháo chạy" khỏi Việt Nam giai đoạn cuối 2017, dù có trong tay mẫu Duster lắp tại Nga, đã liên tục giảm giá còn 800 triệu đồng.
Anh Nguyễn Xuân Thành (Hà Nội), một người đam mê xe UAZ cảm thấy tiếc vì xe Nga chưa để lại dấu ấn gì ở Việt Nam sau 3 năm xuất hiện. Anh Thành nói: "Xe UAZ làm chuyên dụng thì khó xe nào bì được, nhưng giá phải rẻ hơn. Nhìn vào xe Trung Quốc với BAIC, Zotye lớn mạnh dần chỉ hai năm gần đây với chính sách giá và cải tiến mẫu mã mới thấy xe Nga đang thiếu nhà phân phối đủ tầm. Dù chính sách ưu đãi đã có".
Với giá bán mới dự kiến tập trung ở phân khúc xe bình dân từ 300 đến 700 triệu đồng, là điểm mới đáng chú ý của xe Nga trong năm 2019. Tuy nhiên, đây cũng là phân khúc mà các hãng xe Nhật, Hàn đang chiếm lĩnh với hàng chục mẫu xe, trong đó có tới 6 mẫu nằm trong Top 10 xe bán chạy nhất 2018, như Toyota Vios, Hyundai Grand i10, Hyundai Accent, Honda City, Kia Morning, Kia Cerato.
Vì thế, con đường chinh phục người Việt của xe Nga phía trước còn khá dài và gần như phải làm lại từ đầu.
Theo Đình Quý
VietNamNet