Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2019

Từ năm 2020, người đi xe đạp cũng không được uống rượu bia

Dân trí Quốc hội đã chính thức ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, với mục tiêu loại bỏ toàn bộ hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người. Thậm chí, khi điều khiển xe đạp, xe xích lô cũng không được uống rượu/bia.


Từ năm 2020, người đi xe đạp cũng không được uống rượu bia - 1

Theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Luật số 44/2019/QH14) vừa được ban hành, kể từ ngày 1/1/2020, Việt Nam sẽ cấm triệt để hành vi đi xe ra đường (bao gồm cả ôtô, xe máy, xe đạp điện…) khi có nồng độ cồn trong người.

Cụ thể, Điều 5, Khoản 6 quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Ngoài ra, Luật này còn quy định rõ các khái niệm liên quan về thế nào là "Rượu", "Bia" và theo đó "Độ cồn là số đo chỉ hàm lượng cồn thực phẩm có trong rượu, bia tính theo phần trăm thể tích. Độ cồn được đo bằng số mililít ethanol nguyên chất trong 100ml dung dịch tại 20oC".

Từ năm 2020, người đi xe đạp cũng không được uống  rượu bia - 2

Kể từ năm 2020, chỉ ngoại trừ người đi bộ, còn lại, người đi xe đạp, xích lô hay xe lăn... khi tham gia giao thông cũng không được phép có nồng độ cồn trong người.

Như vậy, không chỉ việc cấm điều khiển ôtô khi có nồng độ cồn theo quy định cũ, kể từ 2020 tới đây, mọi hành vi điều khiển phương tiện phương tiện giao thông, bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, môtô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo), cũng sẽ bị nghiêm cấm.

Việc chính thức ban hành "Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia" cũng đã dẫn tới việc phải sửa đổi một số quy định hiện hành. Theo đó, Điều 8, Khoản 8 của Luật Giao thông đường bộ 2008 được sửa đổi thành: Nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Từ năm 2020, người đi xe đạp cũng không được uống rượu bia - 3

Tuy nhiên, hiện đang có một số ý kiến cho rằng khi triển khai các quy định mới đối với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các văn bản hướng dẫn thực hiện dưới Luật (Nghị định, Thông tư…) cần có các quy định cụ thể hơn nữa mức nồng độ cồn tuyệt đối 0%, bởi trong thực tế, với một số thuốc chữa bệnh, thực phẩm…, nếu người tiêu dùng vừa sử dụng cũng có thể đưa ra các kết quả thử nghiệm vượt quá 0% (dùng máy đo nồng độ khí thở).

Ngoài ra, tới đây chắc chắn Chính phủ sẽ phải đưa ra các Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông khi mà các các quyết định xử phạt vẫn căn cứ vào khoản 8, Điều 8 của Luật Giao thông Đường bộ 2008.

Khoản 8, Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện hành quy định: Nghiêm cấm việc điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Việt Hưng

Từ năm 2020, người đi xe đạp cũng không được uống rượu bia - 4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét