Mazda Motor, Suzuki Motor, Subaru, Daihatsu Motor và Isuzu Motors cho biết sẽ đầu tư vào Monet Technologies, liên doanh được thành lập bởi Toyota và Softbank hồi năm 2018 với mục tiêu cung cấp dịch vụ di chuyển bằng xe tự lái tại Nhật Bản.
Mặc dù cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực ô tô truyền thống, nhưng các nhà sản xuất Nhật Bản mặt khác vẫn bắt tay hợp tác để thu thập và phân tích dữ liệu, phục vụ cho việc phát triển xe tự lái. Monet đang kêu gọi thêm các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cùng tham gia nỗ lực chung này.
5 hãng xe mới gia nhập, sẽ chỉ nắm giữ vài phần trăm cổ phần tại Monet. Tính gộp cả 3 hãng xe khác đã tham gia liên doanh trước đó, các thành viên của Monet chiếm tới 77% số xe được bán mới trên thị trường Nhật Bản trong năm 2018.
Honda Motor và Hino Motors mỗi hãng đã đầu tư hơn 200 triệu yên (1,86 triệu USD) hồi tháng 3 để đổi lấy 10% cổ phần trong Monet. SoftBank hiện nắm giữ 40,2% và Toyota giữ 39,8% cổ phần. Monet đang được định giá 26,6 triệu USD.
5 thành viên mới có mối quan hệ chặt chẽ với Toyota trong lĩnh vực xe điện và các lĩnh vực khác. Sự tham gia của các hãng này có thể củng cố vị thế dẫn đầu của liên doanh Monet trong lĩnh vực dịch vụ di chuyển của Nhật Bản và xa hơn là vươn tầm quốc tế.
Nissan Motor và Mitsubishi Motors là hai nhà sản xuất ô tô Nhật Bản chưa gia nhập liên doanh. Nissan và đối tác Pháp Renault mới đây cho biết sẽ hợp tác với Waymo, một đơn vị thuộc sở hữu của Alphabet để phát triển công nghệ tự lái. Hãng này cũng đang triển khai một liên doanh Nhật - Pháp.
Xu hướng phát triển ô tô kết nối, tự hành, chia sẻ và xe chạy điện (gọi tắt là CASE) đang định hình lại ngành công nghiệp ô tô. Sự phát triển của các hệ thống tự lái nói riêng đòi hỏi phải thu thập và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ, và là cơ hội không thể bỏ lỡ đối với những gã khổng lồ trong làng công nghệ. Năm 2018, Waymo đã thu thập đủ lượng dữ liệu tại các tuyến đường công cộng đủ để đi vòng quanh thế giới 400 lần.
Monet lên kế hoạch sẽ bắt đầu triển khai các dịch vụ tại Nhật Bản, trước khi mở rộng phạm vi hoạt động ra các nước châu Á và toàn thế giới. Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài cũng có thể tham gia liên doanh, cung cấp nhiều dữ liệu hơn, để tạo lợi thế cạnh tranh với các công ty công nghệ thông tin.
Theo ước tính của Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PwC, thị trường cho các phương tiện chia sẻ sẽ đạt quy mô 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030 chỉ riêng ở Mỹ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc.
Để phổ biến các loại xe CASE và cắt giảm chi phí, Toyota đang tăng cường việc hợp tác. Nhà sản xuất ô tô này đang hợp tác với Uber, Amazon và các đối tác khác để phát triển e-Palette, một phương tiện tự lái có thể được sử dụng để chia sẻ xe hoặc làm cửa hàng di động.
Toyota cũng đã thành lập một liên doanh với Mazda và nhà sản xuất linh kiện ô tô Denso vào năm 2017 để phát triển các công nghệ kết cấu cơ bản cho xe điện. Kể từ đó đến nay, liên doanh này đã thu hút sự tham gia của 9 công ty bao gồm những tên tuổi như Subaru, Daihatsu, Suzuki và Hino. Hầu như tất cả các thành viên của liên doanh này sẽ tham gia vào Monet.
Lạc Diệp
Theo Nikkei Asian Review
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét