Theo Khoản 8 Điều 8, Luật Giao Thông đường bộ năm 2008, các hành vi sau bị nghiêm cấm:
- Điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn
- Điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Như vậy, tại văn bản pháp luật này, việc uống bia/rượu trước/trong khi lái xe ôtô bị cấm triệt để, nhưng với người điều khiển môtô, xe gắn máy, nồng độ cồn cho phép (dưới 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở), tức là không cấm hoàn toàn.
Khoản 18 Điều 3 của Luật Giao thông đường bộ định nghĩa: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơmi rơmoóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
Trong khi đó, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông cũng lấy các quy định từ Luật Giao Thông đường bộ năm 2008 để đưa ra các mức phạt tương ứng.
Và những điểm mới tại quy định mới có trong Luật Phòng, Chống tác hại của rượu, bia vừa được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019 vừa qua (Khoản 6 Điều 5) trong việc quy định nghiêm cấm hành vi uống rượu/bia khi lái xe được nâng lên như sau:
Cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Điều này có nghĩa là mở rộng phạm vi nghiêm cấm tuyệt đối việc đi xe máy, môtô, thậm chí cả xe máy điện khi đã uống rượu/bia.
Tuy nhiên, để quy định mới này chính thức được đưa vào thực tế, giúp hạn chế tình hình tai nạn giao thông ngày càng tăng liên quan đến bia/rượu, chắc chắn sẽ cần thêm một khoảng thời gian để các nhà soạn thảo hoàn thiện và chỉnh lý theo góp ý của Quốc Hội, trước khi chính thức được ban hành và có hiệu lực.
Trong khi đó, để có được điều này, rõ ràng cần có sự chỉnh lý về Luật, Nghị định liên quan đến lĩnh vực giao thông để không có những quy định chồng chéo, "giẫm chân" nhau.
Trước mắt, chắc chắn sẽ phải sửa đổi các quy định (Luật) cấm các hành vi lái xe mà đã uống rượu bia, bao gồm cả các phương tiện ôtô và xe máy.
Tiếp đến các quy định về xử phạt hành chính (hiện tại là Nghị định 46/2016/NĐ-CP) cũng sẽ phải có những thay đổi mới cho phù hợp.
(Trích)
Điều 5. Xử phạt người Điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
Khoản 6, điểm a: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người Điều khiển xe vi phạm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng, nếu gây tai nạn thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Khoản 8 điểm b: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người Điều khiển xe vi phạm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng.
Khoản 9 điểm a: Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người Điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;
Cả hai vi phạm đều có hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 04 tháng đến 06 tháng.
Điều 6. Xử phạt người Điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
Khoản 6: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Phạt bổ sung: bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
Khoản 8 điểm c: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người Điều khiển xe vi phạm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Hình phạt bổ sung: bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng.
Việt Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét