Ở các lĩnh vực khác, ngay trong tháng 10 này đã có hàng loạt sự việc tương tự được người dân và các cơ quan chức phát hiện: bộ phim hoạt hình "Everest - Người tuyết bé nhỏ", các tờ rơi quảng bá du lịch (của một công ty Trung Quốc) tại Hội chợ quốc tế du lịch Thành phố Hồ Chí Minh 2019…
Ngoài ra, phần lớn hệ thống dẫn đường có định vị được bán trên thị trường như một dạng phụ kiện lắp ngoài đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng không một cơ quan nào có thể khẳng định chắn chắn rằng các hệ thống dữ liệu này không sử dụng bản đồ có "đường chín đoạn".
Thực tế này cho thấy, đã bắt đầu có những luồng "truyền thông bẩn" vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trong lĩnh vực ôtô, thông qua việc phát tán các hình ảnh bản đồ có Đường chín đoạn. Trong khi đó, hiện chưa có một cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm chính thức về việc đưa ra các quy định về hệ thống dẫn đường của ôtô, cũng như việc kiểm tra, xử lí những sai phạm có liên quan.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2019 đã có hơn 4.000 ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc làm thủ tục thông quan vào Việt Nam.
Trở lại với chiếc Volkswagen Touareg đang gây phẫn nộ, BTC Triển lãm Ôtô Việt Nam 2019 cho biết "rất lấy làm tiếc về sự cố bản đồ định vị sử dụng trên xe VW Touareg có Đường Chín đoạn (Đường lưỡi bò) trên Biển Đông, tuy nhiên để sự việc này xảy ra là trách nhiệm của hãng xe".
Ban tổ chức cho biết chỉ giám sát các thiết kế gian trưng bày và các vấn đề kỹ thuật liên quan để đảm bảo quy định không gian chung cũng như các vấn đề về an toàn, phòng chống cháy nổ. Về phía các nhà triển lãm, từng hãng xe sẽ thông báo số lượng xe trưng bày tại mỗi gian hàng đồng thời chịu trách nhiệm về các sản phẩm của mình, kể cả vấn đề xuất xứ.
Như vậy, BTC Triển lãm ôtô Việt Nam mới chỉ được quản lí "phần cứng" để đảm bảo sự hiện diện của các mẫu xe trong triển lãm nhưng chưa đề cập tới các vấn đề liên quan đến xe nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là khi sự việc với mẫu xe Zotye xảy ra trước ngày khai mạc triển lãm không lâu.
Trong khi đó, đại diện Tổng cục Hải quan - ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát Quản lí về Hải quan cho biết, đây là sự việc khá phức tạp, liên quan đến nhiều bộ ngành khác nhau, nên về nguyên tắc quản lí, Tổng cục Hải quan sẽ phải tham vấn các bên liên quan đưa ra các thông tin chính thức.
Thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin chính thức về việc xử lí (tịch thu, tiêu huỷ…) đối với mẫu xe Volkswagen Touareg này, bởi chưa có căn cứ nào để xử lí đối với một mẫu xe được tạm nhập/tái xuất (từ Trung Quốc). Về bản chất, đây là vụ việc nghiêm trọng, nhưng lại chưa có tiền lệ; do đó, các cơ quan hữu trách cần nhanh chóng thống nhất nguyên tắc chung để xử lí nghiêm sự việc này, tránh nguy cơ tái diễn.
Đã có một số thông tin liên quan đến việc đề nghị Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông Vận tải) cần có những động thái quyết liệt về sự việc chiếc xe này. Tuy nhiên, cơ quan này chỉ có chức năng quản lý nhà nước về đăng kiểm chất lượng an toàn kỹ thuật và môi trường các loại phương tiện, thiết bị giao thông vận tải. Việc kiểm tra các phần mềm là hệ dẫn đường không nằm trong trách nhiệm của đơn vị ngày.
Ngoài ra, chiếc Volkswagen Touareg kể trên là loại phương tiện tạm nhập tái xuất và không tham gia lưu thông trên đường phố, nên hoàn toàn không nằm trong phạm vi quản lí của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Chuyên mục Xe++ báo điện tử Dân trí sẽ tiếp tục cung cấp thông tin tới bạn đọc về sự việc này
Việt Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét