Tăng trưởng tốt
Kết thúc năm 2018, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô Việt Nam đạt 288.683 xe, tăng trưởng 5,8% so với năm trước. Một kết quả không được như kỳ vọng, mốc 300.000 xe đã không đạt được. Quan trọng hơn, kỳ vọng giá ô tô sẽ giảm nhờ thuế nhập khẩu trong khu vực xuống 0% đã không diễn ra.
Thậm chí tháng cuối năm, do khan hiếm xe (thật và ảo) khiến không ít người phải "cắn răng" mua xe đắt hơn với giá nhà sản xuất, nhập khẩu công bố, hoặc phải "ôm" kèm thêm khá nhiều linh kiện, phụ tùng.
Những tháng đầu năm 2019, nhu cầu mua xe đi Tết đã không còn, thị trường bắt đầu đi vào hoạt động theo đúng quỹ đạo, mức tiêu thụ xe trong tháng Tết đã giảm như thường lệ. Có thể thấy người mua đã dần "bình tĩnh" để cân nhắc, lựa chọn với kỳ vọng thị trường ô tô Việt Nam năm 2019, khi không còn vướng "rào cản" Nghị định 116, sẽ "bon nhanh".
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, lãnh đạo một liên doanh xe Mỹ nhận định: Khi nguồn cung xe nhập khẩu không còn vướng, thị trường ô tô Việt Nam sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2019.
Sự phục hồi của thị trường ôtô Việt Nam trong năm 2019 còn được hỗ trợ từ nhu cầu tiêu dùng ô tô trên thị trường đang tăng mạnh. Hiện tỷ lệ sở hữu xe ở Việt Nam mới đang ở con số 20 xe/1.000 dân, trong khi đó, tỷ lệ này ở Thái Lan vào khoảng 80 xe, còn ở các quốc gia phát triển thì tỷ lệ nào từ 200 - 400 xe.
Phân tích từ các chuyên gia thị trường cũng cho rằng: "Ngành bán lẻ ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng" bởi thu nhập của người Việt đang không ngừng tăng lên.
Bên cạnh đó các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ tác động tích cực lên thị trường.
Cạnh tranh sẽ khốc liệt
Tuy nhiên, năm 2019, thị trường ô tô cũng được dự báo là sẽ cạnh tranh khốc liệt khi lượng xe bình dân (giá từ 400 triệu-600 triệu) sẽ gia tăng nhập khẩu từ khu vực ASEAN để tiếp tục được hưởng mức thuế ưu đãi 0%. Xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực này sẽ có lợi thế về giá và không còn "vướng" về chính sách.
Năm 2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhiều khả năng sẽ có hiệu lực. Như vậy dự kiến các mẫu ô tô cao cấp được nhập khẩu nguyên chiếc từ EU (Pháp, Ý, Đức, Thụy Điển…) cũng có cơ hội cạnh tranh tốt hơn nhờ ưu đãi thuế (theo thỏa thuận, thuế nhập khẩu đối với ô tô có xuất xứ từ châu Âu sẽ được cắt giảm dần từ mức 70% về 0% trong vòng 10 năm tới).
Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước, dẫn đầu là 3 ông lớn Thaco, Hyundai Thành Công, Vinfast, với tiềm lực mạnh mẽ của mình, cùng sự hỗ trợ, ủng hộ của Chính phủ cũng sẽ bước vào cuộc đua "cạnh tranh" mới, trong đó chiến lược về giá đang là bài toán "bí hiểm" với từng nhà sản xuất.
Nhiều mẫu xe mới sẽ xuất hiện trong năm 2019. Được đón đợi nhiều nhất có lẽ là các mẫu xe mang thương hiệu VinFast. Theo dự kiến, VinFast sẽ sản xuất và tung ra thị trường 2 mẫu xe nhỏ, gồm 1 mẫu chạy xăng và 1 loại chạy điện trong năm 2019. Có thể nói các mẫu xe của VinFast hứa hẹn sẽ có sức cạnh tranh lớn trong từng phân khúc, thậm chí sẽ gây tác động lớn tới thị trường ô tô.
Trong năm 2019, Honda sẽ đưa về Việt Nam 4 mẫu xe mới, trong đó bao gồm 1 mẫu nâng cấp và 2 mẫu hoàn toàn mới, bao gồm Civic, Accord, Brio và BR-V. Đặc biệt là chiếc hatchback Brio dự đoán sẽ làm cho phân khúc xe cỡ trên dưới 400 triệu đồng "dậy sóng".
Không chỉ phân khúc ô tô cỡ nhỏ giá rẻ dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2019 mà các mẫu xe hạng sang cũng hứa hẹn đem đến nhiều bất ngờ khi hàng loạt mẫu xe sẽ được ra mắt trong năm 2019. Đó là mẫu xe hạng sang Audi Q8 (dự kiến khoảng quý III/2019). Hay chiếc Lexus ES 2019 (đầu năm 2019)…
Chính sách tác động mạnh
Thị trường ô tô Việt Nam luôn bị tác động mạnh với các chính sách quản lý. Và năm 2019, có khá nhiều dự thảo và đề xuất liên quan đến thuế, phí ô tô.
Đó là đề xuất về dự thảo tăng lệ phí trước bạ lần đầu đối với dòng bán tải chở hàng dưới 1,5 tấn và 5 chỗ trở xuống. Theo dự thảo, cơ quan quản lý dự kiến mức phí này tăng lên bằng 60% của xe con, trong khung 10 -15%. Như vậy nếu được thông qua, người mua xe bán tải sẽ phải nộp tiền phí trước bạ tăng khoảng 3 đến 4 lần so với hiện tại.
Xe bán tải cũng là đối tượng đang được dự kiến sẽ tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt. Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt loại xe này đang là 15-25%, dự kiến sẽ tăng lên 30-45%.
Một dự thảo khác đang được lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, liên quan đến Thuế Tài sản, trong đó có ô tô. Theo dự thảo, cơ quan quan quản lý sẽ tính thuế tài sản đối với ô tô trên 1,5 tỷ đồng (hai phương án đang được cân nhắc là 0,3% và 0,4%). Nếu được thông qua, giá bán các dòng xe sang ít nhiều sẽ bị tác động.
Liên quan đến sản xuất lắp ráp trong nước, bên cạnh việc cải cách các thủ tục hành chính được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện nhằm hỗ trợ cho sản xuất trong nước nói chung, và sản xuất ô tô nói riêng, thì dự kiến cũng sẽ có nhưng chính sách liên quan đến thuế để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô.
Đơn cử như đề xuất về việc miễn hoặc giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt với phần linh kiện ô tô sản xuất trong nước đã có. Nếu đề xuất này được áp dụng trong năm 2019 sẽ tác động (ước tính khoảng 10-15%) giá xe lắp ráp trong nước.
Một yếu tố quan trọng nước cũng sẽ tác động tới thị trường ô tô Việt Nam đó là các FTA. Các Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sớm có hiệu lực. Lúc đó, các dòng xe từ Đức (Mercedes-Benz, Audi, BMW), xe từ Thụy Điển (Volvo), từ Ý (Fiat, Lamborghini, Ferrari…), Nhật (Toyota, Nissan, Mitsubishi…) sẽ có sự tác động mạnh liên quan đến giá xe.
Có thể đi đến nhận định, thị trường ô tô 2019 sẽ tăng trưởng tốt, mức tăng cao hơn năm 2018. Riêng về giá, rất khó để có thể có đợt giảm giá sâu; nếu có chỉ là chiến lược riêng của từng doanh nghiệp, với cụ thể một vài mẫu xe, và mức giảm (nếu có) cũng không cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét