Lái xe khi trời nhiều sương
Tuỳ độ dày, sương mù có thể làm giảm tầm nhìn xuống còn 0,5km hoặc thấp hơn, trong khi phản ứng của người lái xe hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn. Do đó, nếu không thật cần thiết, hãy lùi thời điểm khởi hành đến khi hết sương mù dày đặc - thường là đến buổi trưa hoặc chiều. Trong trường hợp bắt buộc, hoặc lỡ phải di chuyển trong điều kiện sương mù dày đặc, nhớ bật đèn xe, nhưng không nên bật đèn pha, vì điều này sẽ chỉ làm phản chiếu sương mạnh hơn, gây ảnh hưởng xấu thêm đến tầm nhìn. Ngoài ra, hãy dùng cần gạt nước để cải thiện tầm nhìn.
Làm gì để kính lái hết mờ?
Hãy giảm tốc độ và kiểm soát đồng hồ đo tốc độ. Trời nhiều sương có thể tạo cảm giác bạn đang đi chậm trong khi thực tế là bạn đang tăng tốc.
Hãy bật đèn cảnh báo khi lái xe trên đường, nếu có việc cần phải dừng/đỗ, hãy tìm một khoảng trống tránh xa đường đi để tránh bị xa khác đâm phải.
Lái xe khi trời mưa
Khi lái xe trời mưa, ngoài việc xe tầm quan sát bị hạn chế, một tình trạng rất hay gặp là xe rất dễ bị trượt tại các vũng nước trên mặt đường, điều này có nguyên nhân do lái xe với tốc độ cao hoặc do lốp của bạn đã quá mòn.
Hãy quan sát kỹ đường phía trước bạn, đặc biệt là những nơi tụ nước. Nếu bạn không thể tránh được những chỗ này thì phải từ từ giảm tốc độ trước. Khi trời mưa, hãy lái xe chậm và cẩn thận, nhất là nếu bạn đang lái xe ở một cung đường không quen thuộc, bạn có thể quan sát đi theo xe phía trước.
Khi có những chỗ vòng, hãy đưa bánh lái nhẹ nhàng với tốc độ chậm hơn, để lốp xe của bạn có thể vượt qua chỗ tụ nước an toàn (nếu có).
Khi phanh, đừng phanh gấp hay khóa bánh vì có thể sẽ bị trượt. Giữ một áp lực nhẹ nhàng cho bánh phanh.
"Luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu" - trong trường hợp xe bị trượt, bí quyết để xử lí tình huống này là luôn hành động nhẹ nhàng, mọt phản ứng thái quá chỉ làm tình hình tồi tệ hợn: Hãy nhẹ nhàng nhả ga ra, từ tốn đánh lái lái theo hướng bạn muốn. Một điều giúp bạn an tâm hơn là với những chiếc hiện nay, tính năng chống bó cứng phanh (ABS) đã là một trang bị an toàn có sẵn và hỗ trợ đặc lực trong các trường hợp bị trượt bánh (cao cấp hơn là các hệ thống ổn định thân xe điện tử ESP/VSC hay kiểm soát chống trượt ASR, TCS)
Lái xe vào ban đêm
Tỷ lệ tai nạn giao thông vào ban đêm cao gấp 3 lần so với ban ngày. Tuy nhiên, nhiều lái xe không ý thức được những nguy hiểm tiềm tàng này, hoặc không biết những cách thức hữu hiệu để đảm bảo an toàn.
Cũng như khi trời mưa hay sương mù, buổi đêm tầm nhìn bị hạn chế rất nhiều, ảnh hưởng đến nhận thức, nhận diện màu sắc và cảm nhận không gian của tài xế.
Để cải thiện tầm nhìn, hãy tạo thói quen giữ cho hệ thống đèn luôn sạch sẽ để hoạt động hiệu quả; đèn pha, đèn hậu, đèn tín hiệu và đèn sương mù của xe thật sạch sẽ, đơn giản bằng cách lau chùi thường xuyên.
Ngoài ra, hãy chỉnh đèn pha phù hợp để tránh việc làm lóa mắt những lái xe khác và giảm khả năng quan sát của họ.
Khi lái đằng sau phương tiện khác, đừng dùng đèn pha mà nên dùng đèn cốt (đèn thấp) để không làm lóa mắt xe phía trước. Tránh tia lóa từ đèn pha của những xe đang đi đến bằng cách dùng vạch kẻ đường bên phải để giữ làn.
Khi đi chặng đường dài, nên nghỉ ngơi nhiều lần để ăn và tập thể dục nhẹ. Nếu bạn quá mệt, hãy dừng lại và nghỉ ngơi - nếu điều kiện không cho phép nghỉ lâu thì chỉ cần 15-30 phút chợp mắt cũng đủ giúp bạn lấy lại sức để tiếp tục hành trình.
Hãy thực hiện những biện pháp lái xe an toàn cho trời tối ngay khi mặt trời bắt đầu lặn. Chạng vạng là một trong những khoảng thời gian lái xe khó khăn nhất, vì mắt bạn sẽ phải điều tiết liên tục để làm quen với sự thay đổi ánh sáng.
Ngoài những lưu ý riêng nói trên, có một số lưu ý chung, như đảm bảo rằng bạn và xe được trang bị đầu đủ trước khi lên đường. Đặc biệt, nhớ kiểm tra phanh và lốp xe của bạn trước khi khởi hành. Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị một số vật dụng, đồ dùng có thể hữu ích trong trường hợp khẩn cấp, như đèn pin (đầy pin), túi cứu thương, quần áo ấm, chăn, kính râm và điện thoại di động.
Khi lái xe, hãy kiên nhẫn, đi chậm và lái xe từ từ; đừng lấn làn hoặc vượt đèn giao thông; tránh tăng tốc, phanh và rẽ đột ngột vì như vậy có thể làm cho xe bạn mất đà, trượt không kiểm soát được, dễ bị va chạm.
Việc lái xe chậm rãi và tăng khoảng cách với xe trước cũng cho phép bạn có thể phản ứng kịp thời trong trường hợp khẩn cấp.
Chúc các bạn lái xe an toàn!
Như Phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét