Raptor - tên loài khủng long sát thủ với đôi chân siêu tốc độ, trở thành nỗi kinh hoàng của muôn loài động vật trong kỷ Jura. Một cái tên nổi tiếng, hay ho và ý nghĩa như vậy, liệu Ford Ranger Raptor có sở hữu những yếu tố và tính năng tương xứng?
Những khác biệt căn bản
Dù vẫn sử dụng động cơ diesel 2.0L tăng áp kép mạnh mẽ (công suất 213PS, sức kéo 500Nm) và hộp số tự động 10 cấp như trên Ranger Wildtrak, nhưng đằng sau cái tên Raptor là hàng loạt sự khác biệt.
Đầu tiên là chiều rộng xe tăng tới 150mm so với Ranger nguyên bản, tăng độ vững vàng khi offroad. Ngoài ca-lăng đặc trưng, hai bên sườn và tai xe cũng được thiết kế lại, khiến chiếc xe trông cơ bắp hơn hẳn.
Bộ khung của Raptor được gia cố ở tất cả các khớp nối, chân đỡ hệ thống treo, hay những vị trí chịu lực. Hệ thống treo hiệu Fox được thiết kế dành cho xe đua địa hình tốc độ, đi cùng bộ lốp đa địa hình BF Goodrich và la-zăng siêu khỏe.
Một vài chi tiết nhỏ nhưng góp phần không nhỏ làm nên giá trị của Raptor. Đó là tấm chắn gầm bằng thép gia cường dày 2,3cm giúp bảo vệ máy và hộp số trước mọi va đập từ gầm xe. Bậc bước Raptor vừa đảm nhiệm chức năng cơ bản như tên gọi của nó, vừa chống đỡ những cú tì lên đá hộc, bảo vệ sườn xe khi cần thiết. Cuối cùng, hai móc kéo phía sau bắt thẳng vào khung giúp Raptor có thể cứu hộ hoặc kéo theo những vật nặng.
Bên trong xe, ghế bo cao hai bên đùi và sườn, ôm gọn cơ thể người ngồi. Hệ thống kiểm soát địa hình có 6 chế độ lựa chọn, nhưng 3 chế độ kích thích nhất là Chế độ bùn/cát, Chế độ leo đá và Chế độ Baja.
Tính năng để chinh phục
Trong lần thử thách khắc nghiệt lần này, Raptor được dịp thể hiện 3 chế độ kích thích nhất ở ngay lãnh địa offroad Tuần Châu - nơi vừa diễn ra giải Vua bán tải 2018.
Đầu tiên, Chế độ Mud/Sand được kích thoạt khi Raptor chinh phục những cồn cát hay những hố bùn. Ngoài việc tăng sức kéo ở tốc độ vừa phải, hệ thống kiểm soát địa hình còn cho phép bánh xe trượt văng, tạo gia tốc bứt phá cần thiết để không bị mất đà. Những bài thi vượt chướng ngại vật, thử độ nghiêng, hố so le… ở lãnh địa offroad trở nên nhạt nhẽo.
Tiếp đó là Chế độ Rock (leo đá), kích hoạt cùng với chế độ 4L. Cảm nhận rõ rệt là hộp số chuyển cấp muộn hơn, đồng nghĩa với việc sức kéo ở tốc độ chậm sẽ lớn hơn, giúp chiếc xe từ từ lăn bánh trên những tảng đá hộc lớn mà không cần nạp ga. Gầm cao 283mm (tăng 80mm so với Ranger nguyên bản) là yếu tố góp phần làm cho khả năng leo đá của Raptor được tối ưu.
Nhưng tại đây, trên lãnh địa offroad này, những chức năng đó chưa phải là "vũ khí hủy diệt" của Raptor. Chúng tôi muốn nói tới Baja Mode - chế độ thách thức nhất mà siêu bán tải Raptor độc quyền sở hữu, cái tên xuất phát từ giải đua xe địa hình tốc độ khắc nghiệt nhất hành tinh - Baja 1000.
Trên con đường mòn đất đá lổn nhổn trong khu thử nghiệm, chiếc xe lao như bay với tốc độ lên tới gần 150 km/h.
Sự khác biệt cũng như sức chịu đựng của hệ thống khung gầm và giảm xóc thể hiện rõ rệt trong những pha tốc độ cao và bay hỏi mặt đất. Những cú bay và tiếp đất ở tốc độ cao có thể tạo nên sức ép cả trăm tấn lên bộ giảm xóc Fox, nhưng Raptor vẫn vững vàng và tiếp tục băng đi một cách êm ái.
Ngay cả các chủ nhân Raptor cũng có thể không ngờ rằng Ford đã sử dụng các chất liệu nhẹ nhưng siêu cứng và đắt tiền như hợp kim nhôm hay sợi các-bon ở hệ thống càng hay tai xe. Điều này giúp phân bổ trọng lượng đều hơn giữa phần đầu và đuôi, giúp Raptor cân bằng hơn trong những pha thách thức địa hình.
Giới hạn trong tay chủ nhân
Yếu tố duy nhất có thể coi là nhược điểm của Raptor là độ ồn. Nếu Ranger Wildtrak nguyên bản yên tĩnh nhất phân khúc, thì Raptor ồn ào hơn khi chạy trên đường cao tốc do lắp lốp AT.
Với tất cả những gì hội tụ, Ranger Raptor là bạn đồng hành của những chủ nhân cá tính, ưa mạo hiểm và khám phá. Ranger Raptor mang đến cho người cầm lái cảm xúc của sự chinh phục đỉnh cao giới hạn.
PV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét