Đèn chiếu sáng phía trước ô tô và xe máy có hai loại: đèn cốt (cos) để chiếu gần và đèn pha (far) để chiếu xa.
Đèn cốt (cos) có góc chiếu thấp, để hỗ trợ tài xế quan sát được tình trạng mặt đường trong phạm vi gần, để tránh ổ gà, chướng ngại vật…. Đây là loại đèn được khuyến nghị, thậm chí đưa vào luật, sử dụng khi xe đi trong nội thành, khu dân cư.
Trong khi đó, đèn pha (far) có cường độ ánh sáng mạnh, góc chiếu xa hơn và cao hơn, nhằm giúp tài xế quan sát được các vật ở xa, như chướng ngại và các biển báo giao thông. Đây là chế độ đèn được khuyến cáo sử dụng khi đi đường trường, cao tốc, nhưng tài xế cần chuyển sang chế độ đèn cốt khi vượt, để tránh gây lóa mắt cho các tài xế khác, cả cùng chiều (quan sát qua gương chiếu hậu) và ngược chiều.
Tuy nhiên, do nhiều người do không hiểu biết, hoặc cố tình muốn gây chú ý, nên đã dùng sai chế độ đèn, như không chuyển sang chế độ đèn cốt khi vượt, hoặc bật đèn pha khi đi trong phố.
Dùng đèn chiếu xa như thế nào cho đúng?
Cũng không ít người, vì lý do "an toàn", đã sử dụng đèn cốt trong mọi tình huống; như vậy cũng có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân, khi tầm quan sát không đủ.
Dưới đây là một số cách sử dụng đèn an toàn và đúng cách:
- Khi di chuyển vào ban ngày mà thiếu sáng hoặc nhiều sương mù, bạn nên bật chế độ đèn cốt hoặc bật đèn sương mù, để người đi đối diện không bị chói mắt.
- Khi sang đường, xin vượt, xin nhường đường hoặc nhắc tài xế xe khác hạ đèn pha thì bạn nên nháy đèn pha.
- Khi đi xe vào buổi tối trong thành phố và khu dân cư, bạn chỉ nên dùng đèn cốt. Trong trường hợp đường vắng, thiếu sáng, hoặc trên đường cao tốc, bạn mới nên chuyển sang chế độ đèn pha để tăng khả năng quan sát. Tuy nhiên, khi tới gần xe khác, cả ngược chiều và cùng chiều, bạn nên chuyển sang chế độ đèn cốt để không gây chói mắt cho tài xế khác. Ngay cả khi bạn đi cùng chiều phía sau xe khác, cũng không nên giữ đèn pha vì sẽ làm tài xế xe đi trước bị lóa mắt khi nhìn vào gương chiếu hậu.
- Khi thấy xe đối diện nháy đèn, có thể tài xế đang nhắc bạn tắt đèn pha, hãy kiểm tra, nếu xe bạn đang bật đèn pha thì hãy chuyển sang chế độ đèn cốt để đảm bảo an toàn cho người khác.
- Không nên lắp các loại đèn pha sai công suất và không đúng chuẩn, hoặc lắp thêm đèn trợ sáng, gây lóa mắt và nguy hiểm cho người khác cùng tham gia giao thông.
Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ra văn bản số 6688/ĐKVN-VAR, yêu cầu các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới kiên quyết từ chối đăng kiểm đối với những phương tiện có lắp thêm thiết bị điện, các trường hợp gắn thêm đèn chiếu sáng phía trước, phía sau không đúng theo thiết kế của nhà sản xuất.
Việc sử dụng đèn sai cũng bị coi là lỗi vi phạm giao thông và sẽ bị xử phạt. Cụ thể, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định như sau:
- Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều (Điểm g, Khoản 1, Điều 6);
- Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định (Điểm e, Khoản 2, Điều 6);
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định (Điểm d, Khoản 3, Điều 7);
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; hoặc sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều (Điểm e, Khoản 3, ĐIều 7);
- Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định (Điểm b, Khoản 3, Điều 5);
- Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời Tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều (Điểm g, Khoản 3, Điều 5).
Ngoài việc có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật hoặc bị từ chối đăng kiểm xe, việc lắp và sử dụng đèn không đúng cách còn có thể gây chói mắt cho tài xế khác (dùng đèn pha trong đô thị, khi vượt...), hoặc khiến tài xế khác khó nhìn thấy bạn từ xa (chỉ dùng đèn cốt khi đi buổi tối hoặc trên đường cao tốc), rất dễ dẫn tới tai nạn.
Nhật Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét