Ở quê tôi, mua xe mới là phải cúng và cúng to. Mâm cúng không thể thiếu thủ lợn, xôi, thịt, rượu, hoa quả, tiền vàng, cau trầu, trà thuốc, bánh kẹo, cháo hoa, gạo muối, bỏng ngô...
Việc "cúng xe" đã trở thành tập tục ăn sâu vào não trạng người dân quê tôi, rất khó bỏ. Lễ cúng xe được thắp hương đồng thời hai nơi, một mâm cỗ ở bàn thờ Thần linh, gia tiên và một mâm ở đầu xe ôtô mới mua.
Cúng xe, trước là để tạ ơn Trời, Phật, các vị Thần linh, chư tiên linh tiền tổ, gia tiên nội ngoại, bà cô ông mãnh... đã phù hộ cho con cháu học hành tấn tới, công việc hanh thông, buôn bán thuận lợi, có của ăn của để, mới sắm sang nhà cửa, xe cộ và những đồ tiện nghi khác.
Chắp tay bên mâm cúng chủ xe thành tâm, nguyện noi gương tổ tiên, các vị tiền bối, cố gắng trau dồi học tập, lao động tốt làm rạng danh gia đình, dòng họ.
Sau cùng, cầu mong bề trên linh thiêng dang tay che chở để gia đạo được bình an, nhân khang vật thịnh, duyên sinh trường thọ, đi đến nơi về đến chốn, may mắn trong mọi công việc; gặp may, gặp mắn, gặp thầy, gặp bạn, gặp vạn sự lành.
Cúng xe, mâm cúng cũng dành một phần cho các vong hồn lẩn khuất không may mắn, tai nạn chết đường, chết chợ...
Những điều trình bày ở trên, thuộc âm phần. Với phần dương, cúng xe là cơ hội đoàn tụ, thết đãi mọi người, dịp để thông báo với cha mẹ, anh chị em ruột thịt, bạn bè thân thiết về thành quả đạt được sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi; cũng là dịp để mọi người chúc mừng; những người chưa có xe cố gắng phấn đấu.
Ôtô có giá trị lớn với người Việt, là "nguy hiểm cao độ" - nói theo ngôn ngữ luật pháp, nên cúng xe phần nào đó giải quyết được vấn đề tâm lý giống như nhiều tập tục thờ cúng khác. Sau phần tâm linh là phần thụ lộc, khao xe, "rửa xe", để chia sẻ may mắn, lộc bất tận hưởng, mọi người hoan hỉ, hỉ thần sẽ tới.
Quê tôi cúng xe, khao xe mới, phải dựng rạp, ăn uống đã đành, hát hò là bắt buộc. Cho dù bạn lái xe công nghệ hay taxi truyền thống, xe tải, xe dịch vụ hay xe nhà thì bài hát "Tôi là người lái xe" của tác giả An Chung không thể thiếu trong tiệc karaoke của ngày cúng xe. Ngoài cúng xe, nhiều lái xe còn treo những vật phẩm tâm linh trong xe như tượng Phật, tượng Di lạc, hồ lô, tì hưu, nghê, hoặc treo những câu mang tính triết lý, những lời răn dạy của Phật.
Có người còn cẩn thận chọn màu xe theo bản mệnh hợp phong thủy, âu cũng là tâm linh hòng đem lại may mắn cho chiếc xe và chủ nhân. Tập tục cúng xe được các doanh nghiệp vận tải, nhà xe, các tổ chức và cá nhân mua xe làm dịch vụ quan tâm hơn cả; một số chủ xe và gia đình họ có niềm tin tâm linh, nên rất "nhà quê cẩn thận" trong việc cúng xe.
Cúng xe để nguyện cầu bình an, may mắn mang màu sắc tâm linh giải quyết vấn đề tâm lý, chứ nó không phải là lá bùa hộ mệnh bảo vệ cho người lái xe và "phi hành đoàn" trên đường. "Cuộc sống nở hoa hay cuộc đời khép lại" chịu ảnh hưởng lớn hơn từ nhân quả ứng báo của tiền kiếp, hồng phúc của tổ tiên để lại - đó là "số mệnh"! "Nhất mệnh, nhì vận, tam phong thủy, tứ âm đức, ngũ đèn sách". Người xưa đã đúc kết: "Thời vận chưa thông, vọng cầu vô ích. Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích".
Với tôi, chưa lần nào cúng xe bằng việc bày đặt mâm cúng trước đầu xe, mà chỉ chọn ngày đẹp giờ tốt, sắm lễ nhỏ dâng lên bàn thờ Thần linh, gia tiên nơi tại gia, coi như báo cáo với các Cụ, tỏ lòng thành kính biết ơn Gia tiên và Thần linh đã phù hộ độ trì để những nỗ lực và ước mơ của mình thành hiện thực. Sau đó, tôi tổ chức "rửa xe" với một nhóm nhỏ bạn bè người thân. Nhưng tôi vẫn tôn trọng tập tục "cúng xe" tại ôtô của những người khác, coi đó là tâm linh, quyền tự do của mỗi người.
Còn các bạn thấy sao, nên hay không nên cúng xe?
Độc giả Nguyễn Phúc Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét